Khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang có bài phát biểu trước các lực lượng quân đội tại thủ đô Caracas hôm 4/8, các máy bay không người lái mang theo thuốc nổ đã tới gần vị trí của nhà lãnh đạo Venezuela và bất ngờ phát nổ. Trong khi tổng thống may mắn an toàn, đã có 7 binh sĩ bị thương sau vụ tấn công này. Chỉ vài năm trước đây, việc sử dụng phương pháp tấn công bằng máy bay không người lái còn được xem là chuyện không tưởng thì nay, nguy cơ từ mối đe dọa này ngày càng tăng lên. Một hình thức khủng bố mới rõ ràng đã manh nha, song các nước vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó.
9 ngày trước khi xảy ra vụ ám sát hụt nhằm vào tổng thống Venezuela, những kẻ khủng bố được cho là đã sử dụng một máy bay không người lái chứa thuốc nổ và gây ra vụ tấn công tại sân bay quốc tế ở Abu Dhabi, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập thống nhất (UAE). Các phiến quân Houthi từ Yemen thừa nhận đã gây ra vụ tấn công này và may mắn không có ai bị thương. Trong khi chính quyền UAE phủ nhận xảy ra vụ việc tại sân bay Abu Dhabi, sự thật cho thấy các phiến quân không hề gặp khó khăn trong việc sử dụng máy bay không người lái để gây ra vụ tấn công này.
Liên quan tới vụ tấn công tại Venezuela, Bộ trưởng Nội vụ Nestor Reverol cho biết các nghi phạm đã sử dụng hai máy bay không người lái DJI M600, mỗi chiếc mang theo 1kg thuốc nổ C-4 có khả năng gây sát thương trong bán kính 50m. DJI M600 được xem là thiết bị bay điều khiển từ xa chuyên nghiệp, chủ yếu được các nhà làm phim và nhiếp ảnh gia sử dụng và có thể mang theo vật thể với trọng lượng lớn.
Theo Wired, sử dụng máy bay không người lái để tấn công mục tiêu không phải là chuyện mới. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thường xuyên sử dụng thiết bị này để mang lựu đạn hay thuốc nổ từ nhiều năm nay. Hai năm trước, một máy bay không người lái đã rơi ngay trước mặt Thủ tướng Đức Angela Merkel khi bà đang dự một sự kiện tranh cử.
Giới chức Mỹ ngày càng quan ngại về việc máy bay không người lái rơi vào tay những kẻ khủng bố. Năm ngoái, Washington Post từng đưa tin IS đã sử dụng thiết bị này để tấn công lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Syria. Hồi tháng 6, các quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ từng đưa ra cảnh báo trước Quốc hội về “mối đe dọa nghiêm trọng, đang hiện hữu” của máy bay không người lái mà Washington “hiện chưa sẵn sàng để đối phó”.
Hiểm họa khó lường
Theo Washington Post, những vụ tấn công gần đây xảy ra tại Abu Dhabi và Venezuela sẽ khuyến khích các nhóm khủng bố hiểu biết về công nghệ và những đối tượng bất mãn sử dụng máy bay không người lái để thực hiện các mưu đồ bạo lực chính trị. Đặc biệt, vụ việc xảy ra tại sân bay quốc tế Abu Dhabi là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ thiết bị điều khiển từ xa có thể tấn công máy bay chở khách và gây ra thương vong hàng loạt.
Các máy bay không người lái đã đặt ra mối đe dọa mới cho ngành hàng không. Theo đó, cần có biện pháp để ngăn chặn mối đe dọa này trước khi những sự cố gây chết người có thể xảy ra.
Một lợi thế chiến thuật của các máy bay không người lái là hầu hết chúng đều bay thấp hơn so với tầm phát hiện của các radar. Dù chỉ mang theo một khối lượng nhỏ, các thiết bị này cũng có thể phá hủy một máy bay dân sự đang chở khách. Các máy bay thương mại thường dễ bị tấn công trong thời gian cất và hạ cánh do phi công không có nhiều thời gian để phản ứng trước những tình huống bất ngờ như vậy.
Các máy bay không người lái được sử dụng trong chiến đấu, tương tự thiết bị của nhóm phiến quân như Houthi, thường có trọng lượng nặng hơn và có thể mang vài kg thuốc nổ với tốc độ bay 160km/giờ và tầm hoạt động khoảng hơn 600km. Những robot bay này có thể được lập trình để tự động tiếp cận mục tiêu và gây ra vụ tấn công mà không cần có sự hướng dẫn của con người.
Hiện nay an ninh sân bay chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát các mối đe dọa từ con người như hành khách hay nhân viên sân bay, cũng như từ hàng hóa xuất nhập cảnh. Các sân bay không được thiết kế để có thể đảm bảo an toàn trong những vụ tấn công từ trên không. Do vậy, việc chuẩn bị các biện pháp cần thiết để giám sát các thiết bị bay tầm thấp như máy bay không người lái là yêu cầu cấp bách đặt ra cho các sân bay.
So với bảo đảm an ninh sân bay, việc bảo vệ các nguyên thủ quốc gia trước các vụ tấn công bằng máy bay không người lái thậm chí còn phức tạp hơn nhiều do lịch trình của các nhà lãnh đạo hay thay đổi và họ cũng thường xuyên phải xuất hiện trước công chúng. Các máy bay không người lái không chỉ được lập trình sẵn để tiếp cận mục tiêu từ mọi hướng mà bất kỳ ai sở hữu loại thiết bị này đều có khả năng sử dụng.
“Bất kỳ ai, dù là thiếu niên 12 tuổi, nếu có đủ tiền cũng có thể mua máy bay không người lái và có thể thực hiện một vụ tấn công nếu tìm hiểu về kỹ thuật sử dụng”, Colin Clarke, nhà phân tích chính sách an ninh quốc tế tại tập đoàn RAND, cho biết.
Theo Ulrike E. Franke, nhà nghiên cứu chính sách tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, hầu hết các máy bay không người lái được bán tràn lan trên thị trường và có đủ tầm hoạt động, từ vài trăm m cho tới vài km, để người mua lựa chọn. Trong khi đó, kẻ tấn công có thể đứng lẫn trong đám đông và giữ khoảng cách đủ để chúng không bị ảnh hưởng bởi vụ nổ.
Chuyên gia Franke cho rằng có thể sử dụng công nghệ gây nhiễu để tiêu diệt các máy bay không người lái hoặc sử dụng máy bay không người lái khác để chúng tự tiêu diệt lẫn nhau. Nhật Bản từng sử dụng máy bay không người lái có gắn lưới để tấn công một máy bay không người lái khác. Ngoài ra, các nước như Hà Lan hay Pháp cũng từng sử dụng diều hâu để hạ gục máy bay không người lái.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn