Nhiều xe tăng xuất hiện ở trung tâm thủ đô Harare của Zimbabwe ngày 15/11. (Ảnh: Reuters)
Quân đội Zimbabwe đêm 14/11, rạng sáng 15/11 đã triển khai binh sĩ, vũ khí hạng nặng, giành quyền kiểm soát thủ đô Harare và đài truyền hình quốc gia.
Bất chấp động thái này và việc quản thúc Tổng thống Robert Mugabe, quân đội Zimbabwe vẫn bác bỏ đồn đoán rằng đây là một cuộc đảo chính. Một trong những nhân vật được cho là đứng sau cuộc chính biến này là Tổng tư lệnh quân đội Zimbawe Constantino Chiwenga, người vừa có chuyến thăm tới Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi tuần trước.
Căng thẳng leo thang sau khi Tổng thống Mugabe bất ngờ sa thải “cánh tay phải” một thời của mình, Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa. Trước đó, ông Mnangagwa được coi là ứng cử viên sáng giá hơn bà Grace để kế nhiệm ông Mugabe.
Sau khi bị sa thải, ông Mnangagwa được cho là đã sang Trung Quốc với sự trợ giúp của cựu đại sứ Zimbabwe tại Bắc Kinh Chris Mutsvangwa. Những đồn đoán về sự can dự của Trung Quốc càng tăng khi Tướng Chiwenga bất ngờ có chuyến thăm tới Bắc Kinh hồi tuần trước. Dựa vào các bức ảnh do phía Trung Quốc công bố, ông Chiwenga được cho là đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, chuyến thăm này là hoạt động giao lưu quân sự định kỳ giữa hai bên và không liên quan đến tình hình hiện tại ở Zimbabwe.
“Tôi chỉ có thể nói với quý vị rằng chuyến thăm của ông ấy (Tướng Chiwenga) tới Trung Quốc thời điểm này là hoạt động trao đổi quân sự song phương theo thỏa thuận của Trung Quốc và Zimbabwe. Với tư cách là một quốc gia có quan hệ thân thiết với Zimbabwe, chúng tôi đang theo dõi rất sát tình hình ở đây”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết với báo chí hôm nay 15/11.
Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn ở Zimbabwe. Trong 2 năm trở lại đây, trung bình mỗi tháng, Trung Quốc đầu tư khoảng 30 triệu USD vào Zimbabwe. Các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Zimbabwe chủ yếu là vào thuốc lá, xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời và các dự án khác.
Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Zimbabwe. Kể từ tháng 1 năm nay, Nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền chính thức ở Zimbabwe, cùng với USD của Mỹ, Rand của Nam Phi. Trong khi đó, đồng nội tệ của Zimbabwe mất giá mạnh do lạm phát phi mã.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn