Vào chiều ngày 26/7, PV báo đã có mặt tại các bản thuộc huyện Sanamxay (Tỉnh Attapeu, Lào). Đây được coi là vùng “rốn lũ” và khi sự cố vỡ đập thủy điện xảy ra đã khiến cho cơn “đại hồng thủy” đổ từ trên núi xuống, các hộ dân không kịp trở tay.
PV báo ghi nhận tại huyện Sanamxay (Tỉnh Attapeu, Lào)
Để tiếp cận vào các bản vùng lũ, chúng tôi phải men theo một con đường đất ngập đầy nước từ thị xã Xa mac-khi xay vào huyện Samaxay gần 40km. Trên đường chúng tôi đã chứng kiến hàng trăm xe bán tải của các đoàn cứu trợ quốc tế đang nối đuôi nhau ra, vào khu tập kết, cách vùng “rốn lũ” khoảng gần 20km. Theo đó, khu tập kết này là trường học và huyện Samaxay đã tận dụng để cho các hộ dân vùng “rốn lũ” sống tạm và tiếp nhận các đợt hàng cứu trợ vào.
Qua huyện Samaxay khoảng chừng 10km là cảnh tượng tan hoang hai bên đường. Càng vào sâu thì nước lên càng cao, phương tiện mà người dân sử dụng chỉ là chiếc xe độ đi rẫy hoặc thuyền, bè.
Khi đặt chân đến bản Khộc Cọng (huyện Samaxay), thảm cảnh hoang tàn đã hiện ra trước mắt với hàng trăm căn nhà tạm đều đổ sập và bị lũ cuốn trôi, trơ ra những bộ khung. Còn một số căn nhà kiên cố cũng bay nóc, hư hỏng nặng nên không còn người sống tại các bản này. Rải rác hai bên đường là nhiều chiếc xe ô tô, xe độ nằm ngả nghiêng.
Vụ vỡ đập thủy điện tại Lào: Cảnh nhà hoang tàn, người mất gia đình
Từ trong vùng rốn lũ đi ra, ông Sơ Liêng (khoảng 60 tuổi, bản Să Mỏng Tạy) mặt thẫn thờ nói đang đi tìm người bố của mình. Ông Liêng cho biết: “Khi đó bố mẹ tôi đang ăn cơm thì bất ngờ một tiếng nước đổ ầm ầm từ trên núi xuống. Thấy nước chảy nhanh tôi nhìn sang thấy căn nhà bố mẹ bị dòng lũ “nuốt chửng”. Có người kéo tay tôi chạy mãi lên khu vực cao… Đến khi quay lại thì cảnh làng tan hoang, căn nhà bố mẹ tôi cũng không còn…”.
“Sau một ngày nước rút thì lực lượng cứu hộ dùng trực thăng đi rà và thấy mẹ tôi đang bám vào một ngọn cây cao nên đã đưa về cấp cứu. Còn bố tôi vẫn chưa tìm thấy được. Gần hai ngày này, tôi luôn ké các đoàn cứu nạn để vào tìm bố tôi, nhưng đều vô vọng...”, ông Liêng cho hay.
Phương tiện chính di chuyển trong các bản là thuyền
Mệ Bun (62 tuổi, làng Khộc Cọng) đang dựng một chiếc liều tạm bên đường để sống tạm và chăm sóc đàn bò của mình. Mệ Bun tâm sự: “Nghe tiếng nước lũ đổ là dân làng kéo nhanh chạy, không mang theo đồ đạc hay thức ăn gì cả. Khi đến khu vực cao thì chúng tôi đã dựng lều tạm dọc đường để nằm nghỉ tránh mưa. Một lúc sau, đàn bò cũng được dân làng kéo từ trong vùng “rốn lũ” ra khu vực núi cao. Suốt 2 ngày nay, chúng tôi đều ăn mì tôm và ngủ bên đường, sát cánh rừng già. Tuy lạnh những không còn cách nào khác vì chúng tôi còn đàn bò là tài sản duy nhất nên đang trông…”.
Trên đường vào ra huyện, chúng tôi cũng đã chứng kiến cảnh một số chiếc xe bán tải đang chở thi thể người ra nhà khu khâm liệm tập thể.
Theo ghi nhận của PV tại huyện Sanamxay (Tỉnh Attapeu, Lào) thì trời vẫn đang mưa và mực nước đang rút rất chậm. Những người dân tại 6 bản gồm Khộc Cọng, Hín Lạt, Tha Sẻng Chăn, Thà Hìn, Să Mỏng Tay, Bản Mày đang di chuyển vào khu tập kết ở trường học gần huyện. Lương thực ăn uống hiện nay đều nhờ vào các đoàn cứu trợ từ tỉnh Attapeu vào. Hiện đang có 1 đội bác sĩ của Bệnh viện Hoàng anh Gia Lai và đội bác sĩ của Lào vẫn đang trực chiến để khám chữa bệnh cho người dân ở khu tập kết.
Tác giả: Phạm Hoàng (Tỉnh Attapeu, Lào)
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn