Ý nghĩa của tuyên bố “đại dịch”
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/3 chính thức coi dịch viêm phổi cấp Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra là “đại dịch”.
Theo Guardian, việc tuyên bố đại dịch không liên quan tới những thay đổi về đặc tính của một căn bệnh, mà liên quan tới những lo ngại về sự lan truyền địa lý của căn bệnh đó.
Theo Straitstimes, đại dịch được hiểu đơn giản là sự lan truyền trên phạm vi toàn cầu của một dịch bệnh mới mà phần lớn mọi người không có khả năng miễn dịch. Quy mô của đại dịch trải khắp thế giới và nằm ngoài dự tính của con người.
Mặc dù chưa có định nghĩa chính xác, song đại dịch thường xảy ra sau khi những nỗ lực kiểm soát dịch ở cấp độ thấp hơn tại các khu vực trên thế giới không thành công. Mục tiêu khi đó sẽ chuyển từ việc ngăn chặn dịch sang giảm bớt mức độ tổn thương từ sự lây lan của dịch.
Thông thường WHO sẽ là cơ quan ra quyết định cuối cùng về việc có tuyên bố một dịch bệnh nào đó là đại dịch hay không. Không có tiêu chí cụ thể để xác định đại dịch, chẳng hạn số người chết hay số ca nhiễm hoặc số quốc gia bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, dịch Sars năm 2003 không được WHO tuyên bố là đại dịch mặc dù ảnh hưởng tới 26 quốc gia.
Nếu việc tuyên bố đại dịch gây ra sự hoảng loạn trên phạm vi toàn cầu, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt tới mục đích chính của việc tuyên bố, đó là nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về dịch bệnh.
Cho đến nay, vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi về việc liệu tuyên bố dịch cúm H1N1 là đại dịch hồi năm 2009 có gây ra tâm lý hoảng loạn không cần thiết, khiến các cơ quan ứng phó khẩn cấp bị quá tải và các chính phủ phải chi quá nhiều cho việc tìm ra thuốc chữa hay không.
WHO ban đầu vẫn từ chối gọi dịch Covid-19 là đại dịch ngay cả khi các ca nhiễm bệnh đã lan ra hầu hết châu lục, với những điểm nóng bên ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Italia và Iran. WHO được cho là không muốn tạo cảm giác rằng, dịch Covid-19 là không thể ngăn chặn được.
Tuy vậy, WHO rốt cuộc vẫn tuyên bố Covid-19 là đại dịch sau khi 60% trong số 195 quốc gia trên thế giới xác nhận các ca nhiễm.
WHO nhấn mạnh rằng việc sử dụng từ "đại dịch" không phải để biểu thị một sự thay đổi trong khuyến cáo của tổ chức này. WHO vẫn tiếp tục kêu gọi các quốc gia "phát hiện, kiểm tra, điều trị, cách ly, truy tìm và tập trung người dân của mình".
Việc gọi dịch Covid-19 là đại dịch sẽ không tác động tới mức độ nguy hiểm của dịch, thay vào đó WHO muốn động thái này sẽ thay đổi cách các nước ứng phó với khủng hoảng, đồng thời tạo thêm động lực cấp bách cho các chính phủ trong việc đưa ra các kế hoạch hành động khẩn cấp nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Tranh cãi về tuyên bố “đại dịch”
Theo tiến sĩ Nathalie MacDermott, giảng viên Viện nghiên cứu Y tế Quốc gia tại Trường King London, "sự thay đổi cách gọi không làm thay đổi bất kỳ điều gì trên thực tế vì thế giới đã được khuyến cáo từ nhiều tuần qua rằng, hãy chuẩn bị cho một đại dịch tiềm tàng, và hy vọng tất cả các nước đã thực hiện nghiêm túc việc này. Tuy nhiên, việc sử dụng từ “đại dịch” cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nước trên thế giới trong việc hành động một cách phối hợp và công khai như một mặt trận thống nhất trong nỗ lực kiểm soát tình hình hiện nay".
Tiến sĩ Wong Ka-hing tại Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong cho rằng việc WHO gọi dịch Covid-19 là đại dịch cũng không dẫn đến sự thay đổi thực chất nào, vì các chuyên gia tại một số nước đã gọi dịch Covid-19 là đại dịch từ lâu trước khi WHO công bố.
“Tôi không ngạc nhiên (trước quyết định gọi đại dịch của WHO). Nhiều nước và chuyên gia đã nói trước đó rằng dịch này là đại dịch. Nó không ảnh hưởng hay thay đổi cách Hong Kong đối phó dịch”, SCMP dẫn lời ông Wong nói trong một chương trình phát thanh hôm nay 12/3.
Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta cho rằng WHO đã quá chậm chạp trong việc tuyên bố Covid-19 là đại dịch, khiến cho công tác phòng chống dịch của các nước trở nên phức tạp hơn.
Bộ trưởng Mandetta giải thích trong cuộc họp báo rằng, tuyên bố về đại dịch sẽ cho phép cơ quan y tế của các nước chuyển bất kỳ ai có triệu chứng nhiễm bệnh sang các cơ sở chăm sóc sức khỏe, trong khi trước đó, chỉ những người từ những vùng có dịch cụ thể như Trung Quốc mới được điều trị như vậy.
"Đến bây giờ, tức là quá muộn, WHO mới đồng ý với đánh giá của Brazil rằng chúng ta đang đối mặt với một đại dịch", Bộ trưởng Mandetta nói, đồng thời nhận định nếu WHO đưa ra lời kêu gọi sớm hơn, thế giới sẽ có ít ca nhiễm Covid-19 hơn.
Thành Đạt
Theo Straitstimes, Guardian
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn