Thế giới hối hả tìm vắc-xin Covid-19 giữa lúc đại dịch lây lan toàn cầu

Thứ sáu - 13/03/2020 23:42
(Dân trí) - Trong khi đại dịch Covid-19 đang lây lan trên toàn cầu, các phòng nghiên cứu và công ty trên khắp thế giới đang hối hả thử nghiệm vắc-xin và một số loại được cho có thể ra thị trường trong năm nay. >> >> >>
Thế giới hối hả tìm vắc-xin Covid-19 giữa lúc đại dịch lây lan toàn cầu

Các nhà khoa học và phòng thí nghiệm trên thế gới đang chạy đua thời gian tìm vắc-xin Covid-19 (Ảnh: Getty)

Dịch Covid-19 gây ra bởi virus corona mới (SARS-CoV-2) đang lây lan với tốc độ nhanh chóng trên toàn cầu. Tính tới lúc này, hơn 134.000 người đã nhiễm mầm bệnh trên hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 5.000 người đã thiệt mạng vì Covid-19.

Các nhà nghiên cứu trên toàn cầu đang thử những cách tiếp cận khác biệt để điều chế vắc-xin cho SARS-CoV-2. Các phương án được tính tới bao gồm sử dụng virus yếu hoặc chết hoàn toàn hoặc các virus được dựng lên với bộ gene tương tự.

Phương pháp này nhằm giúp cơ thể người tạo nên kháng thể chống lại mầm bệnh nhưng không rõ quá trình phát triển sẽ mất trong bao lâu. Đại dịch SARS xuất hiện 17 năm trước nhưng tới nay vẫn chưa có vắc-xin nào được phát triển.

“Đó là câu hỏi lớn. Tôi nghĩ các vắc-xin axit nucleic, giống mRNA, sẽ là phương án nhanh nhất. Công ty Moderna (Mỹ) đã bắt đầu thử nghiệm loại này ở Seattle trong tuần qua”, nhà nghiên cứu vắc-xin Neil King tại Đại học Washington cho hay.

Ông King đã đề cập tới vắc xin mRNA phát triển bởi Moderna. Hợp tác với Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, Moderna đang chuẩn bị quá trình thử nghiệm trên người. Theo kế hoạch ban đầu, 45 tình nguyện viên sẽ bắt đầu thử nghiệm vắc-xin trong tháng này. Đây được xem là vắc-xin sẽ thử nghiệm trên người sớm nhất.

Có 5 trên tổng số 35 ứng cử viên vắc-xin sử dụng công nghệ RNA đang trong giai đoạn tiền lâm sàng, trong đó có 2 loại Arcturus và CureVac từ đại học Hoàng gia London, Anh.

Trong khi đó, Trung Quốc - nơi bùng phát dịch bệnh - hiện đang nghiên cứu 9 loại vắc-xin với 2 phiên bản điều chế dựa trên mô hình axit nucleic.

Tiến bộ công nghệ đã giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và đẩy nhanh tiến độ tới bước thử nghiệm lâm sàng. 17 năm trước, để thử nghiệm trên người, các nhà khoa học cần hơn 1 năm để điều chế mẫu thử của vắc-xin SARS, trong khi vào thời điểm hiện tại, họ chỉ mất 4 tháng để điều này có thể thực hiện.

Phương pháp sử dụng ADN hay RNA của virus để phát triển vắc-xin được xem là nhanh nhất vào thời điểm hiện tại. Cơ chế hoạt động của virus corona mới là tạo ra các gai protein bám vào tế bào người, xâm lấn và tấn công và có thể gây chết người. Vắc-xin mRNA theo lý thuyết sẽ kích hoạt hệ miễn dịch sẵn sàng tấn công các virus corona trong tương lai khi chúng đi vào cơ thể người.

Một cách tiếp cận khác là sử dụng công nghệ véc-tơ virus mà phía Trung Quốc đang tiến hành. Đây là công trình mà Học viện khoa học quân y Trung Quốc và công ty Cansino Biologics (Thiên Tân) đang nghiên cứu và phát triển. Trong khi đó, công ty dược phẩm Glover đang bắt tay với nhà sản xuất vắc-xin GSK để nghiên cứu vắc-xin chống lại Covid-19.

Khi nào có thể sản xuất vắc-xin hàng loạt?

Các nhà virus học của Mỹ cho rằng sẽ mất từ 1 năm tới 18 tháng để phát triển vắc-xin phiên bản thương mại nếu quá trình thử nghiệm lâm sàng có hiệu quả, nhưng các chuyên gia Trung Quốc cho rằng thời gian này có thể được rút ngắn đi nhiều.

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc, đại học Đồng Tế và công ty Stermina (Thượng Hải) đang hợp tác phát triển vắc-xin mRNA. Họ tuyên bố quá trình thử nghiệm trên động vật đã hoàn thành và nếu thành công, vắc-xin này có thể thử nghiệm lâm sàng trên người vào tháng 4.

Đại diện của Stermina cho biết vắc-xin có thể được tung ra thị trường trong năm nay nếu giai đoạn 1 của quá trình thử nghiệm lâm sàng thành công.

Chuyên gia vắc-xin Trung Quốc Tao Lina cho biết trong kịch bản tốt nhất, vắc-xin Covid-19 có thể được đưa ra thị trường vào mùa thu này.

Tại Trung Quốc, sau khi hoàn thành thử nghiệm trên động vật, vắc-xin sẽ phải thử nghiệm qua 3 giai đoạn trên người với số lượng người tham gia tăng dần. Sau khi đảm bảo 2 yếu tố an toàn và hiệu quả, vắc-xin mới được đưa vào sản xuất.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây