Ngày 8/1, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề: “Phát huy vai trò của tri thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài trong thời đại công nghiệp 4.0”. Sự kiện đã có sự tham gia của các lãnh đạo bộ ban ngành như bà Đặng Thị Thu Hà, Phụ trách Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao; ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; cùng nhiều chuyên gia và doanh nhân làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và thu hút nguồn chất xám từ nước ngoài về Việt Nam.
Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Đức Hoàng)
Trí thức kiều bào và sự đóng góp cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam
Theo bà Đặng Thị Thu Hà, hiện tại có khoảng 400.000 trí thức kiều bào, tập trung chủ yếu ở các nước phát triển. Họ là những nhà khoa học, chuyên gia, trí thức làm việc tại các trung tâm nghiên cứu khoa học, quản lý kinh tế, tài chính ngân hàng, các công ty xuyên quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế. Ngoài có năng lực, tri thức và được xã hội công nhận, họ còn mang trong mình dòng máu Việt Nam, lòng yêu nước, mong muốn và khát khao đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Bà Đặng Thị Thu Hà cho hay trong những năm gần đây, hàng trăm trí thức Việt Nam đã từ nước ngoài trở về làm việc, tham gia nghiên cứu và cống hiến cho đất nước. Thêm vào đó, lực lượng này cũng thường xuyên quan tâm tới những vấn đề kinh tế xã hội quan trọng của đất nước như các dự án năng lượng sạch, điện nguyên tử và vấn đề khởi nghiệp.
Buổi hội thảo cũng có sự tham gia của doanh nhân Thạch Lê Anh, sáng lập viên và Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (VSV), đề án của Bộ Khoa học Công nghệ nhằm thu hút, hỗ trợ và đầu tư cho các ý tưởng khởi nghiệp theo mô hình thung lũng công nghệ Silicon của Mỹ. Theo bà Thạch Lê Anh, trong 5 năm hoạt động của VSV, các trí thức kiều bào đã có nhiều đóng góp quan trọng và có nhiều thành tự đáng khích lệ vào công cuộc xây dựng mô hình khởi nghiệp về khoa học công nghệ ở Việt Nam cả về mặt hỗ trợ gọi vốn, xây dựng các mối quan hệ với các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư nước ngoài, cũng như tham vấn, hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp non trẻ ở Việt Nam.
Tuy vậy, hoạt động khởi nghiệp cần rất nhiều sự hỗ trợ không chỉ về vấn đề tài chính, mà còn là vấn đề về kiến thức, kinh nghiệm và lực lượng trí thức ở nước ngoài chính là một trong những nguồn lực quan trọng để xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp. Các chuyên gia nhấn mạnh, nếu Việt Nam bước đi chậm trong con đường này, những ý tưởng sáng tạo, chất xám của Việt Nam sẽ có nguy cơ chảy ra nước ngoài, những nơi có sự hỗ trợ tốt hơn cho hệ sinh thái khởi nghiệp.
Đẩy mạnh khai thác nguồn trí thức nước ngoài
Buổi hội thảo có sự tham gia tham luận và đóng góp ý kiến từ nhiều quan chức, chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam. (Ảnh: Đức Hoàng)
Theo các chuyên gia, công tác vận động trí thức kiều bào đóng góp cho đất nước dù có tiềm năng rất lớn nhưng sự phát triển chưa tương xứng. Bà Đặng Thị Thu Hà cho rằng các chính sách đã được ban hành dường như chưa đủ mạnh và chưa có khung chế độ đãi ngộ cụ thể và hấp dẫn cho lực lượng trí thức sinh sống ở nước ngoài. Thêm vào đó, Việt Nam chưa có đầu mối và hệ thống phối hợp thông tin, trao đổi, hướng dẫn giúp cho trí thức nước ngoài có thể tiếp cận được với ý tưởng sáng tạo, ý tưởng kinh doanh. Hơn nữa, cơ chế làm việc đang theo kiểu “xin-cho” tạo tâm lý băn khoăn, chưa yên tâm cho lực lượng trí thức kiều bào sẵn sàng về Việt Nam làm việc, cống hiến.
Theo bà Thạch Lê Anh, vấn đề lớn nhất với hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam chính là vấn đề nguồn vốn cũng như các khuôn khổ pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm. Sự thiếu sót này có thể khiến cho những trí thức Việt Nam ở nước ngoài “nản lòng” khi có thiện chí hỗ trợ cho sự phát triển cho vấn đề khởi nghiệp của đất nước.
Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, các chuyên gia và lãnh đạo cho rằng điều cần làm đó là thay đổi về mặt chính sách nhằm mời và trọng dụng các nhà khoa học, các chuyên gia, trí thức đầu ngành với cơ chế trả lương và đãi ngộ thích đáng. Thêm vào đó, sự thay đổi về mặt cơ chế, chính sách theo hướng trao quyền chủ động cho những trí thức, nhà khoa học trong công cuộc nghiên cứu, đóng góp, hỗ trợ là yếu tố quan trọng tạo động lực cho lực lượng này về nước và cống hiến.
Sau cùng, các chuyên gia cho rằng nhà nước nên dành sự ưu tiên cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, khích lệ sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp công nghệ của người Việt ở nước ngoài tại Việt Nam. Điều này sẽ thu hút lực lượng cố vấn cao cấp, với kiến thức, trí tuệ, nguồn vốn, mối quan hệ góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn