Viễn cảnh về một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vẫn xa vời và mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên, sau nhiều tuần leo thang thuế quan khiến mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh rơi vào tình trạng căng thẳng nhất trong nhiều thập niên, cả hai nước tuần này dường như đã sẵn sàng để hạ nhiệt trước khi bước vào đợt đàm phán mới vào tháng tới.
Trong một thông báo trên mạng xã hội Twitter hôm qua, Tổng thống Trump cho biết Trung Quốc sẽ nối lại việc mua nông sản Mỹ, trong khi Bắc Kinh cũng xác nhận rằng các công ty Trung Quốc đã đề xuất mua các sản phẩm từ Mỹ, bao gồm thịt lợn và đậu nành.
Thông báo của ông Trump được đưa ra một ngày sau khi hai nước bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu “xuống thang” trong cuộc chiến thương mại. Trung Quốc thông báo sẽ miễn áp mức thuế mới đối với 16 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, trong khi Tổng thống Trump đồng ý dời kế hoạch tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/10 sang ngày 15/10.
“Tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ mua số lượng lớn nông sản của chúng ta!”, Tổng thống Trump thông báo.
Theo Jim Sutter, giám đốc điều hành Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Mỹ, hôm qua ông biết tin rằng Trung Quốc đã mua số lượng lớn đậu nành từ Mỹ.
“Chúng tôi vui mừng khi chứng kiến sự tan băng của mối quan hệ (Mỹ - Trung). Chúng tôi mong muốn chúng ta có thể đưa thương mại quay trở lại bình thường”, ông Sutter nói.
Các quan chức kinh tế của chính quyền Trump nhận định, việc ông Trump tạm hoãn tăng thuế có thể giúp cải thiện mối quan hệ song phương. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho rằng ông chủ Nhà Trắng có “động thái tốt” khi đồng ý dời kế hoạch áp thuế lại sau 2 tuần để tránh thời điểm Trung Quốc kỷ niệm 70 năm ngày thành lập 1/10.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết một số công ty Trung Quốc bắt đầu đề xuất mua trở lại nông sản Mỹ.
“Đậu nành và thịt lợn là hai mặt hàng được đề xuất. Tôi hy vọng Trung Quốc và Mỹ sẽ đi cùng một hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán”, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng nói.
Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã lên kế hoạch gặp mặt vào đầu tháng 10, trước khi Tổng thống Trump tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Kỳ vọng về việc giải quyết nhanh chóng những mâu thuẫn lớn giữa hai nước hiện vẫn còn khiêm tốn. Tuy nhiên những động thái hạ nhiệt căng thẳng gần đây đã làm gia tăng khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tránh được đợt áp thuế mới, từ đó mở ra con đường hòa dịu mối quan hệ.
Căng thẳng hạ nhiệt
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu xấu đi từ tháng 5 khi Bắc Kinh rút lại các nội dung mà hai nước đã thống nhất trước đó trong dự thảo thỏa thuận gần như hoàn thiện. Trung Quốc nói rằng các nội dung này vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Chính quyền Trump giận dữ trước hành động thay đổi vào phút chót của Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng quyết định áp thuế bổ sung với 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng thời dọa sẽ tiếp tục tăng thuế vào tháng 10 và tháng 12.
Đáp lại, Trung Quốc cũng leo thang căng thẳng bằng cách áp thuế với 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Các công ty nhà nước Trung Quốc cũng dừng mua đậu nành, thịt lợn và các sản phẩm khác của Mỹ. Đây là đòn giáng nhằm vào nông dân Mỹ, những người bị mất thị trường tiêu thụ do chiến tranh thương mại.
Mặc dù các cố vấn của Tổng thống Trump khẳng định cuộc chiến thương mại không ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ, song nhiều người trong số họ vẫn hy vọng căng thẳng hạ nhiệt. Họ đã cân nhắc nhiều phương án để tránh tăng thuế vì điều này sẽ dẫn tới việc gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc tại Mỹ bị đánh thuế, gồm đồ chơi, giày và máy tính, tính đến cuối năm nay.
Tổng thống Trump hôm qua tiết lộ rằng ông đang xem xét về một thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc để giải quyết một số vấn đề.
Chính quyền Trump đang cân nhắc về việc liệu đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sẽ là một lợi thế hay một bất lợi cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump. Các cố vấn của nhà lãnh đạo Mỹ đã nỗ lực suốt nhiều tháng qua để bảo đảm đạt được một thỏa thuận đủ mạnh nhằm xoa dịu sự chỉ trích từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa rằng, ông Trump đang nhượng bộ trước đối thủ kinh tế lớn nhất của Mỹ.
Một số quan chức Nhà Trắng, bao gồm con rể của Tổng thống Trump Jared Kushner, cho rằng ông Trump không cần phải đạt được thỏa thuận với Trung Quốc để giành được sự ủng hộ từ các cử tri. Jared Kushner và một số quan chức nhận định, nếu chính quyền Trump có thể đạt được những thành tựu khác về thương mại, như thông qua thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ và thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, như vậy đã đủ để lấy lòng các cử tri.
Trong khi đó, các cố vấn kinh tế của Tổng tống Trump như Larry Kudlow hay Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin quan tâm nhiều hơn tới thị trường tài chính đang bị biến động và các chỉ số kinh tế không mấy khả quan. Do vậy, họ vẫn ủng hộ việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Các cuộc thảo luận giữa hai nước chủ yếu xoay quanh việc yêu cầu Trung Quốc tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ, mở cửa thị trường của Trung Quốc để cạnh tranh với các công ty Mỹ và mua thêm các sản phẩm của Mỹ, như khí tự nhiên và đậu nành. Chính quyền Trump cũng gây sức ép buộc Trung Quốc phải thay đổi nhiều hơn về cơ cấu, chẳng hạn giảm bớt tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế Trung Quốc.
Theo Michael Pillsbury, một học giả Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Hudson, Trung Quốc đang mở đường cho mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ bằng cách giảm bớt giọng điệu chỉ trích Tổng thống Trump và đưa ra một số thay đổi, bao gồm việc thành lập các khu vực thương mại tự do tại Trung Quốc nhằm mở cửa thị trường tài chính và cho phép các công ty Mỹ tiếp cận tốt hơn.
“Một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân. Tuy nhiên những động thái này đang ngày càng nhiều lên”, ông Pillsbury nói.
Thành Đạt
Theo New York Times
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn