Tổng thống Rodrigo Duterte khiến giới phân tích lo ngại và giới chỉ trích “dậy sóng” khi ông thông báo hôm 10/9 rằng, Philippines có thể bỏ qua một bên phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông để thực hiện dự án khai thác dầu khí chung với Trung Quốc tại vùng biển này.
Các chuyên gia hàng hải trước đó đã cảnh báo Tổng thống Duterte về việc xem nhẹ phán quyết Biển Đông. Các chuyên gia cho rằng việc nhà lãnh đạo Philippines phớt lờ phán quyết sẽ chỉ càng củng cố thêm quyết tâm của Trung Quốc trong việc theo đuổi yêu sách chủ quyền ngang ngược của nước này trên Biển Đông.
Vào tháng 7/2016, tòa trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) ở Hà Lan ra phán quyết về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp Biển Đông. Phán quyết này đã vô hiệu hóa yêu sách đơn phương của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” đối với hầu hết diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho đến nay vẫn chưa bao giờ chấp nhận phán quyết của tòa.
Nhiều nhà quan sát mô tả động thái mới nhất của Tổng thống Duterte là “quay ngược 180 độ” khi chỉ mới vài tuần trước đó, chính nhà lãnh đạo Philippines đã tuyên bố công khai rằng ông sẽ đề cập tới phán quyết Biển Đông trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến thăm tới Bắc Kinh vừa qua.
Tuy nhiên, hôm 10/9, chỉ vài ngày sau khi chuyến thăm kết thúc, Tổng thống Duterte nói rằng “vùng đặc quyền kinh tế là một phần trong phán quyết mà Philippines sẽ bỏ qua nhằm theo đuổi hoạt động kinh tế với Trung Quốc”. Cũng theo ông Duterte, giới chức Trung Quốc đã nói với ông rằng, họ sẽ để Philippines nắm 60% cổ phần trong bất kỳ thỏa thuận nào về khai thác dầu khí chung.
“Họ chỉ nhận 40% thôi. Đó là cam kết của ông Tập Cận Bình”, ông Duterte nói.
Phản ứng trái chiều
Phát biểu của Tổng thống Duterte đã vấp phải sự phản đối từ dư luận Philippines. Một số chuyên gia, bao gồm cựu nghị sĩ Neri Colmentares, chủ tịch đảng Bayan Muna, nói rằng hiến pháp Philippines không cho phép triển khai các dự án khai thác chung trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Thay vào đó, Philippines phải kiểm soát toàn bộ hoạt động khai thác hay sử dụng tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Tương tự các nghị sĩ Philippines, một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về các hoạt động vi phạm hiến pháp nếu Philippines bắt tay với Trung Quốc khai thác dầu khí tại Biển Đông. Chuyên gia hàng hải Jay Batongbacal cho rằng Tổng thống Duterte dường như đã tính đến việc “đồng sở hữu” với Trung Quốc.
“Sự hợp tác của ông Duterte với Trung Quốc sẽ đòi hỏi kiểm soát chung, ra quyết định chung, quản lý chung và lợi ích chung”, chuyên gia Batongbacal, giám đốc Viện nghiên cứu Luật biển và Các vấn đề Hàng hải tại Đại học Philippines, nhận định.
“Vấn đề này chỉ đơn giản là chưa được xem xét theo hiến pháp năm 1987 cũng như luật về dầu khí hiện hành, trong đó quy định rằng các hoạt động phát triển và khai thác dầu khí của Philippines do các tập đoàn tư nhân thực hiện phải tuân thủ hoàn toàn theo chủ quyền và quyền kiểm soát của Philippines”, chuyên gia Batongbacal nói.
Cũng theo ông Batongbacal, khó có thể chấp nhận việc đề xuất hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), một tập đoàn thuộc sở hữu và được kiểm soát hoàn toàn bởi nhà nước Trung Quốc, đồng thời hoạt động theo chỉ đạo và sự giám sát của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, chuyên gia Batongbacal không cho rằng việc Philippines khai thác dầu khí chung với Trung Quốc là bất hợp pháp. Thay vào đó, để thực hiện dự án, cần phải diễn giải thêm về mặt pháp lý đối với hiến pháp, cần thêm luật hỗ trợ và có thỏa thuận hợp đồng riêng biệt để đảm bảo tính khả thi theo luật pháp Philippines.
Theo Jose Maria Sison, giáo sư khoa học chính trị thời đại học của Tổng thống Duterte và là người sáng lập đảng Cộng sản Philippines, ông Duterte đã “tiếp tục đi trên con đường phản bội quyền chủ quyền và lợi ích của người dân Philippines” khi đưa ra đề xuất khai thác dầu khí chung với Trung Quốc.
Một số nhà phân tích dường như ủng hộ đề xuất của Tổng thống Duterte. Lucio Pitlo III, nhà nghiên cứu tại Quỹ Con đường Phát triển châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng đề xuất của ông Duterte vẫn có thể khả thi về mặt pháp lý, song điều đó còn phụ thuộc vào việc đề xuất đó được dàn xếp như thế nào. Theo ông Pitlo, phán quyết của tòa trọng tài không cấm hợp tác về tài nguyên trên thực tế.
“Nếu các công ty Trung Quốc có thể tham gia vào việc phát triển và khai thác năng lượng ngoài biển (trong vùng đặc quyền kinh tế) của Philippines với tư cách là các nhà thầu dịch vụ, đồng thời Bắc Kinh cũng đã tuyên bố với công chúng trong nước rằng đây là một dự án hợp tác năng lượng và phát triển chung, tôi nghĩ đó là tình huống hai bên cùng có lợi”, chuyên gia Pitlo bình luận.
Tuy nhiên, chuyên gia Pitlo cũng thừa nhận nguy cơ dự án phát triển chung với Trung Quốc sẽ “làm suy yếu vị thế” của Philippines trong vấn đề biên giới trên biển.
“Tuy nhiên chúng ta có thể thực thi các biện pháp phòng vệ. Nếu các công ty Trung Quốc hiện diện với tư cách là các nhà đầu tư vào hệ thống hợp đồng dịch vụ của chúng ta, thì không có gì phải lo lắng cả”, chuyên gia Pitlo cho biết.
“Ông Duterte có thể lập luận rằng, ông đang mở ra cho Trung Quốc một lối đi phù hợp và giữ thể diện cho họ khi đề xuất một thỏa thuận phát triển chung theo luật Philippines, khi đó Bắc Kinh cũng kiềm chế trong việc kiểm soát các hoạt động dầu khí của Philippines”, chuyên gia Pitlo cho biết thêm.
Thành Đạt
Theo SCMP
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn