Tổng thống Donald Trump (phải) trong cuộc gặp với lãnh đạo quốc hội Mỹ tại phòng ăn tối của Nhà Trắng - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, ngày 24-1, Thượng viện Mỹ đã nhất trí với quyết định của Tổng thống Donald Trump đề cử Thống đốc bang South Carolina Nikki Haley giữ chức Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) với 96 phiếu thuận và 4 phiếu chống.
Hầu hết các nghị sĩ đều đánh giá cao bà Haley, tuy nhiên một số người bày tỏ lo ngại rằng vị Thống đốc 45 tuổi này thiếu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại.
Cũng trong ngày 24-1, các đề cử khác cho vị trí Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Phát triển Nhà ở và Đô thị đã được Thượng viện thông qua. Đây là một tín hiệu tích cực đối với nội các của Tổng thống Donald Trump sau ngày nhậm chức.
Trước đó, dù đã đến sát ngày nhậm chức, chỉ có 2 vị trí do ông Trump đề cử nhận được sự phê chuẩn của Thượng viên.
Mọi ánh mắt đang đổ dồn về một vị trí quan trọng khác có thể ảnh hưởng tới hình ảnh của nước Mỹ trên chính trường thế giới: Ngoại trưởng.
Với kết quả sít sao 11-10 trong cuộc bỏ phiếu ngày 23-1 tại Ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng đề cử Rex Tillerson cuối cùng cũng nhận được cái gật đầu của cơ quan này.
Điều đáng nói, 11 người bỏ phiếu cho ông Tillerson là toàn bộ các thành viên đảng Cộng hòa, trong khi 10 người bỏ phiếu chống là toàn bộ các thành viên Dân chủ.
Mặc dù vậy, để có thể chính thức ngồi vào ghế Ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson sẽ còn phải trải qua cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện 100 ghế của Mỹ. Dự kiến cuộc bỏ phiếu toàn Thượng viện sẽ được tiến hành vào đầu tuần sau nếu không có gì trục trặc.
Về lý thuyết, các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ có thể ngăn cản quá trình bỏ phiếu tại Thượng viện nếu áp dụng “Thủ tục Filibuster” để giành quyền phát biểu liên tục cho đến khi kiệt sức.
Trong lịch sử đã từng có nhiều trường hợp các nghị sĩ vì muốn “câu giờ” đã sử dụng quyền này, cá biệt có thượng nghị sĩ đã nói liên tục trong 24 tiếng 18 phút (thượng nghị sĩ độc lập Wayne Morse năm 1953).
Tuy nhiên, đây chỉ là cách chữa cháy tạm thời bởi sức người là có hạn và không sớm thì muộn, Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm ưu thế (52 trong tổng số 100 ghế) cũng sẽ tiến hành bỏ phiếu.
Trong một diễn biến liên quan, Reuters dẫn nguồn tin thân cận từ đội ngũ của Tổng thống Trump cho biết nhà lãnh đạo Mỹ đang cân nhắc khả năng để cho ông James Comey tiếp tục ngồi ở ghế giám đốc FBI thêm một thời gian nữa.
Ông Comey, một người thuộc đảng Cộng hòa, là người đã "khai quật" lại vụ bê bối sử dụng email cá nhân của bà Hillary Clinton lúc còn làm Ngoại trưởng Mỹ. Sự việc xảy ra khi chỉ còn hơn 10 ngày là tới ngày bỏ phiếu bầu cử tổng thống Mỹ.
Tuyên bố mập mờ của ông Comey khi đó đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ phía đảng Dân chủ cùng nhiều cái nhìn hoài nghi về động cơ thực sự đằng sau, để rồi sau đó cũng chính ông này tuyên bố không tìm được gì mới trong núi email vừa khai quật có liên quan tới bà Hillary chỉ 2 ngày trước ngày bỏ phiếu quyết định.
Theo quy định, vị trí giám đốc FBI do Tổng thống đề cử và cần nhận được sự phê chuẩn của Thượng viện.
Có thể nói “Thủ tục Filibuster” là "sự điên rồ" của nền dân chủ kiểu Mỹ và được phổ biến từ những năm 1850. Filibuster là một thuật ngữ không có nghĩa tương đương trong tiếng Việt. Theo trang web của Thượng viện Mỹ, nó có gốc từ tiếng Hà Lan - có nghĩa là “cướp biển”. Thủ tục Filibuster được dùng để chỉ việc tranh luận không giới hạn về thời gian, chủ đề và các lập luận của các thượng nghị sĩ. Các nghị sĩ cũng có quyền từ chối trả lời các câu hỏi về những chủ đề được nêu ra trong khi phát biểu. |
Nguồn tin: http://tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn