Văn kiện được mô tả như một “thỏa thuận đình chiến” giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại kéo dài suốt gần 2 năm qua, gây thiệt hại cho cả hai nước và giảm bớt những rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt.
Việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, dự kiến tại Nhà Trắng vào lúc 11h30 (giờ địa phương) (tức 16h30 GMT) sẽ tạm thời giúp chấm dứt cuộc xung đột thương mại phủ bóng nền kinh tế và công nghệ toàn cầu trong suốt gần 2 năm qua. Nhận định về thỏa thuận, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin) mới đây cho rằng, văn kiện là một chiến thắng đối với các doanh nghiệp Mỹ và những người nông dân Mỹ. Ông đồng thời đánh giá đây là một bước tiến khổng lồ và Tổng thống Donald Trump là vị Tổng thống đầu tiên tấn công vấn đề Trung Quốc, điều mà cả các đời Tổng thống Cộng hòa lẫn Dân chủ từng gặp phải.
Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm tới. Ngoài ra, Bộ trưởng Mnuchin cũng cho biết các công ty và nông dân Mỹ có thể sẽ có thêm nhiều lợi nhuận sau khi cải cách cơ cấu được giải quyết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 2.
Giới doanh nghiệp Mỹ cũng có những đánh giá tích cực về bước tiến đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc này. Theo ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ- Trung Quốc, các nền kinh tế của Trung Quốc và Mỹ phụ thuộc lẫn nhau và sẽ rất tuyệt vời nếu cả hai nước duy trì được động lực và đẩy nhanh tiến độ cuộc đàm phán về giai đoạn tiếp theo.
“Thỏa thuận có thể là chưa đầy đủ và không hoàn hảo nhưng đó là một bước tiến đáng kể, giúp giải quyết một số mối quan tâm lớn của các công ty Mỹ. Nền kinh tế Mỹ và Trung có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Chính vì thế, thỏa thuận sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng và cho phép cả hai nước phát huy sức mạnh kinh tế của mình. Và chúng tôi muốn thấy kết quả tích cực này được duy trì và thúc đẩy”, ông Craig Allen nói.
Đối với Tổng thống Mỹ Trump, việc đạt được và ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ gửi đi tín hiệu tích cực cho năm bầu cử quyết định này, nhất là trong bối cảnh ông đang phải đối mặt với tiến trình luận tội do phe Dân chủ khởi xướng. Những biện pháp trả đũa thuế nhằm vào hàng trăm tỷ đôla hàng hóa của hai nước đã gây tác động nặng nề tới lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến tại Mỹ, yếu tố từng góp phần làm nên chiến thắng của Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2016.
Bà Mary Isbister, Chủ tịch Công ty chế tạo và kỹ thuật kim loại GenMet ở Wisconsin nhấn mạnh: “Quả thật xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến giới doanh nghiệp và các thị trường căng thẳng. Giá nghiệp liệu thô đã tăng từ 30% đến 150% tùy từng mặt hàng. Không chỉ tăng giá đột ngột mà nguồn cung cũng đột ngột bị thắt chặt”.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã coi cuộc chiến thương mại như một phép thử cho lòng yêu nước, cho quyết tâm hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, những phát biểu này là không đủ để trấn an, thậm chí còn khiến giới doanh nghiệp Mỹ thất vọng, đặc biệt là nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Một minh chứng rõ nhất: xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm mạnh trong năm 2018, xuống còn 3,1 tỷ USD so với 12,3 tỷ USD năm 2017.
Nhằm giảm nhẹ thiệt hại, chính quyền Tổng thống Trump đã phải chi tổng cộng 28 tỷ USD hỗ trợ trong 2 năm 2018 và 2019. Tuy nhiên, điều này chỉ như muối bỏ bể. Những người nông dân Mỹ vẫn không ngừng yêu cầu một giải pháp thông qua đàm phán để có thể khôi phục hoạt động xuất khẩu sớm nhất có thể. Theo các dữ liệu của phía Trung Quốc, trong tháng 12/2019 khi xuất hiện thông tin về thỏa thuận thương mại giai đoạn một, lượng nhập khẩu đầu tương từ Mỹ của nước này đã tăng rõ rệt (tăng 67% so với năm 2018).
Theo Thu Hoài
VOV
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn