Đoạn fax mã hóa được gửi thông qua Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Iran, một trong số ít các kênh liên lạc trực tiếp, kết nối bí mật giữa Mỹ và Iran.
Trong những ngày sau đó, Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo Iran tiếp tục trao đổi các thông điệp với nhau. Theo mô tả của cả quan chức Mỹ và Iran, những thông điệp này nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với cuộc khẩu chiến giữa các chính trị gia hai nước.
Một tuần sau đó, sau cuộc tấn công đáp trả bằng tên lửa mà không gây thương vong của Iran nhằm vào hai căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú ở Iraq, Washington và Tehran dường như đã lùi dần khỏi miệng hố chiến tranh.
“Chúng tôi không liên lạc nhiều với Iran, nhưng nếu chúng tôi muốn liên lạc, Thụy Sĩ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc chuyển các thông điệp và tránh tính toán sai lầm”, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Một phát ngôn viên của phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc từ chối bình luận về các cuộc trao đổi bí mật giữa nước này với Iran, nhưng cho biết họ “đánh giá cao Thụy Sĩ vì những nỗ lực trong việc mở ra một kênh hiệu quả nhằm trao đổi thông tin khi cần thiết”.
Một quan chức Iran nhận định kênh hậu trường của Thụy Sĩ đã mở ra một cầu nối khi tất cả các kênh khác đều không sử dụng được.
“Trên sa mạc, thậm chí một giọt nước cũng đáng trân trọng”, quan chức Iran cho biết.
Thông qua đại sứ quán, vai trò của Thụy Sĩ như một kênh trung gian ngoại giao đã kéo dài suốt 4 thập niên biến động và 7 đời tổng thống Mỹ, từ cuộc khủng hoảng con tin dưới thời Tổng thống Jimmy Carter tới thỏa thuận hạt nhân dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy vậy, ít khi nào vai trò đó bị thử thách như hiện nay.
Là một đất nước không giáp biển, chỉ vơ 9 triệu dân và không có quân đội thường trực, Thụy Sĩ đã tận dụng vai trò như một “người đưa tin” để tiếp cận các nước lớn.
Thông báo đầu tiên của Mỹ được gửi ngay sau khi Washington xác nhận cái chết của Tướng Soleimani, nhân vật quan trọng nhất của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Thông điệp được gửi bằng máy fax mã hóa đặc biệt, đặt bên trong một căn phòng niêm phong của đại sứ quán Thụy Sĩ. Đây là cách để Nhà Trắng gửi thông điệp cho các lãnh đạo cấp cao của Iran và cũng là phương pháp lâu đời nhất kể từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Máy fax hoạt động theo một mạng lưới bảo mật của chính phủ Thụy Sĩ, chỉ dùng để kết nối đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran với Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ tại Bern và đại sứ quán Thụy Sĩ ở Washington. Chỉ những quan chức cấp cao nhất mới có thẻ khóa để sử dụng thiết bị này.
Theo các quan chức Mỹ và Thụy Sĩ, đại sứ Thụy Sĩ Markus Leitner, nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, đã trao tận tay bản fax của Mỹ cho Ngoại trưởng Iran Javad Zarif vào sáng sớm ngày 3/1. Ông Leitner từ chối bình luận về thông tin này, trong khi Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ xác nhận việc có trao đổi thông tin, song không bình luận thêm.
Theo một quan chức thân cận với cuộc trao đổi, Ngoại trưởng Zarif rất tức giận với bản fax của Mỹ.
“(Ngoại trưởng Mỹ Mike) Pompeo là kẻ bắt nạt. Mỹ là nguyên nhân của mọi vấn đề”, ông Zarif nói.
Vai trò cầu nối
Đại sứ Thụy Sĩ thường xuyên tới thăm Washington để tham dự các phiên họp kín với Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và các quan chức tình báo, những người muốn tiếp nhận thông tin từ ông về tình hình chính trị Iran.
Đại sứ Leitner từng dành nhiều ngày sau khi xảy ra vụ không kích đoạt mạng tướng Iran để di chuyển qua lại như “con thoi” trong một sứ mệnh ngoại giao bí mật nhưng rủi ro, cho phép mỗi bên trao đổi quan điểm thẳng thắn. Điều này ngược lại với những tuyên bố nảy lửa của Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Zarif trên Twitter.
Ngày 4/1, một ngày sau khi tướng Iran thiệt mạng, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng ông đã chọn ra 52 mục tiêu, bao gồm các di sản văn hóa của Iran, để trả đũa nếu Mỹ phải hứng chịu thiệt hại.
“Những mục tiêu này, và ngay chính Iran, sẽ bị tấn công rất nhanh và rất mạnh”, ông Trump cảnh báo trên Twitter.
Ngoại trưởng Iran lập tức phản pháo vào ngày hôm sau: "Một lời nhắc nhở gửi tới những kẻ nuôi ảo tưởng lặp lại tội ác chiến tranh của IS khi nhắm mục tiêu vào các di sản văn hóa Iran. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, những kẻ man rợ đã đến và tàn phá các thành phố của chúng tôi, phá hủy các di tích và đốt các thư viện của chúng tôi. Chúng bây giờ đang ở đâu? Còn chúng tôi vẫn đang ở đây và trụ vững".
Cùng ngày, ông Zarif gọi điện cho Đại sứ Thụy Sĩ để gửi một thông điệp tới Mỹ. Theo các quan chức Mỹ, thông điệp này kiềm chế hơn nhiều và những trao đổi từ hai bên đã giúp ngăn chặn nguy cơ tính toán sai lầm.
“Khi căng thẳng với Iran dâng cao, Thụy Sĩ đóng một vai trò hữu ích và đáng tin cậy mà cả hai bên đều rất coi trọng. Nỗ lực của họ giống như ánh sáng không bao giờ tắt”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump cho biết.
Thụy Sĩ đóng vai trò như "người đưa tin" giữa Mỹ và Iran từ năm 1980, sau vụ 52 nhà ngoại giao bị bắt làm con tin tại đại sứ quán Mỹ ở Tehran. Trong những năm sau cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu tại Iraq vào năm 2003, Thụy Sĩ đã kết nối thông tin giữa các bên để tránh xảy ra các cuộc xung đột trực diện. Khi Tổng thống Obama nhậm chức, Thụy Sĩ đã tổ chức các cuộc đàm phán dẫn tới thỏa thuận hạt nhân Iran.
Khi Tổng thống Trump áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, ông đã đưa cho Thụy Sĩ một số điện thoại để chuyển tới Iran và nhắn: "Tôi muốn họ gọi cho tôi".
Cho đến nay, Tehran vẫn tiếp tục trao đổi với Washington thông qua Thụy Sĩ. Các cựu đại sứ Thụy Sĩ cho biết kênh ngoại giao này hoạt động hiệu quả vì Mỹ và Iran có thể tin tưởng rằng, mọi thông điệp đều được giữ bí mật, chuyển đi nhanh chóng và chỉ tới tay người nhận được chỉ định. Các thông điệp được chuyển qua kênh Thụy Sĩ luôn chính xác, mang tính ngoại giao và không có sự can thiệp của cảm xúc.
Khi căng thẳng Mỹ - Iran leo thang, kênh ngoại giao của Thụy Sĩ vẫn hoạt động tích cực. Tháng 12/2019, hai nước cùng trao trả tù nhân tại một nhà chứa máy bay ở sân bay Zurich.
"Kênh Thụy Sĩ đóng vai trò vô cùng quan trọng vì những gì họ có thể làm trong thời gian ngắn để hạ nhiệt căng thẳng. Đó là kênh khả thi duy nhất vào lúc này", cựu thống đốc bang New Mexico Bill Richardson nhận định.
Iran không phải điểm nóng địa chính trị duy nhất nơi đại sứ quán Thụy Sĩ đại diện cho lợi ích của Mỹ hay các quốc gia khác, sau khi quan hệ ngoại giao chính thức bị đổ vỡ. Thụy Sĩ hiện đại diện ngoại giao cho Iran ở Ả rập Xê út, Gruzia ở Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya. Tháng 4/2019, chính quyền Trump nhờ Thụy Sĩ đại diện cho Mỹ ở Venezuela, song chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro chưa đồng ý.
Thành Đạt
Theo Wall Street Journal
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn