Cá hồi đã bị đưa ra khỏi các kệ hàng tại các siêu thị lớn như Walmart và bị “xóa sổ” khỏi các cơ sở phân phối thực phẩm trên khắp Trung Quốc, trong khi các chuyên gia hàng đầu khuyến cáo người dân không tiêu thụ sản phẩm giàu omega-3 này.
Các tỉnh và thành phố từ Vân Nam tới Thượng Hải đang ráo riết xét nghiệm mẫu virus corona trên các sản phẩm hải sản tại các khu chợ bán đồ tươi sống địa phương.
Làn sóng tẩy cá hồi tại Trung Quốc diễn ra sau khi lãnh đạo chợ Tân Phát Địa, chợ đầu mối hoa quả và rau củ lớn tại Bắc Kinh, cho biết cơ sở này phát hiện hơn 100 ca mắc Covid-19 mới và thớt của người bán cá hồi nhập khẩu bị nghi là nơi phát tán mầm bệnh.
Mặc dù vẫn chưa rõ liệu mầm bệnh Covid-19 có lây nhiễm qua sản phẩm cá hồi đông lạnh hay không, song thị trường cá hồi nhập khẩu trị giá 700 triệu USD tại Trung Quốc đang đứng rủi ro lớn và giáng một đòn vào các nước xuất khẩu cá hồi hàng đầu như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Australia. Trung Quốc hiện chiếm khoảng 5% nhu cầu tiêu thụ cá hồi toàn cầu.
“Chúng tôi đã nhận được thông báo về việc hủy các đơn hàng cá hồi tươi tới chợ (Trung Quốc) do các biện pháp xét nghiệm thực phẩm đang được thực thi”, Victoria Braathen, đặc phái viên về nghề cá tại Hội đồng Hải sản Na Uy, cho biết.
"Chúng tôi không thể gửi thêm cá hồi tới Trung Quốc nữa," Regin Jacobsen, giám đốc điều hành của nhà cung cấp cá hồi Bakkafrost, xác nhận.
Stein Martinsen, giám đốc tiếp thị và kinh doanh tại công ty Cá hồi Hoàng gia Na Uy, cũng cho biết: "Chúng tôi đã dừng toàn bộ việc bán cá sang Trung Quốc và đang chờ làm rõ tình hình".
Làn sóng tẩy chay cá hồi đã phản ánh nỗi lo sợ ngày càng gia tăng của Trung Quốc về nguy cơ bùng phát trở lại đại dịch Covid-19 tại Bắc Kinh - trung tâm văn hóa chính trị với 20 triệu dân. Hơn 20 khu dân cư đã bị phong tỏa, một số trường học phải đóng cửa, trong khi giới chức địa phương chạy đua để xác định hàng trăm nghìn người đã tới hoặc có tiếp xúc với chợ Tân Phát Địa.
Theo thông báo trên trang web của chính phủ Na Uy ngày 16/6, Bộ trưởng Nghề cá Na Uy Odd Emil Ingebrigtsen cho biết chính quyền Trung Quốc đã liên lạc với phía Na Uy để tìm hiểu thông tin về nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh có liên quan tới hoạt động sản xuất cá hồi tươi. Na Uy cho biết sẽ phản hồi nhanh nhất có thể để hạn chế tác động tới ngành công nghiệp xuất khẩu cá hồi.
“Chúng tôi vẫn chưa thể xác định liệu con người lây nhiễm virus sang cá hồi, hay cá hồi bị nhiễm virus trước”, Zeng Guang, chuyên gia cấp cao tại Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nói hôm 14/6.
Ông Zeng cảnh báo người dân Bắc Kinh không ăn cá hồi sống và tạm thời dừng mua hải sản nhập khẩu.
Wu Zunyou, nhà dịch tễ trưởng tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết virus corona mới có thể tồn tại trên bề mặt thực phẩm đông lạnh tới 3 tháng. Do vậy, cơ quan này “nghi ngờ cao” rằng thực phẩm nhiễm khuẩn có thể là nguồn gốc dẫn tới đợt bùng phát dịch gần đây tại Bắc Kinh.
Ảnh hưởng hoạt động kinh doanh
Tình trạng tẩy chay cá hồi đã gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu hải sản sang thị trường Trung Quốc, sau khi đại dịch Covid-19 khiến doanh thu 4 tháng đầu năm của họ giảm xuống hơn 30%. Trước khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh xảy ra, 4 nhà xuất khẩu hải sản lớn nhất của thị trường Trung Quốc, gồm Chile, Na Uy, Australia và Đan Mạch, đã chứng kiến nhu cầu tiêu thụ lên tới 686 triệu USD trong năm 2019, do thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng lên và xu hướng chuyển sang khẩu phần ăn lành mạnh hơn tại Trung Quốc.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất cá hồi lớn ở Na Uy đều giảm 3-5% sau thông tin về ổ dịch tại Trung Quốc. Hai nhà cung cấp cá hồi Bakkafrost và Cá hồi Hoàng gia Na Uy cho biết các nhân viên của cả hai công ty đều đã được xét nghiệm Covid-19 và chưa có ai bị dương tính với virus.
Mặc dù chưa thể xác định virus có xuất phát từ cá hồi Na Uy hay không, song tác động tới hoạt động kinh doanh sản phẩm này đã được thể hiện rất rõ.
“Không khách hàng nào muốn tới nhà hàng của chúng tôi bây giờ, vì cá hồi bị đem ra làm “vật tế thần””, quản lý nhà hàng Haile'er ở Bắc Kinh, nơi chuyên về cá hồi Na Uy, cho biết.
Các giám định về nguồn gốc gen của virus corona tại chợ ở Bắc Kinh cho thấy virus có thể bắt nguồn từ châu Âu.
Keith Neal, giáo sư dịch tễ học chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nottingham, cho biết bất kì sự lây nhiễm nào liên quan tới cá hồi cũng có thể là kết quả của sự lây nhiễm chéo.
Các nhà chức trách về an toàn thực phẩm Na Uy cho biết chưa có bằng chứng cho thấy cá hồi nước này bị nhiễm virus.
"Các khu chợ là nơi đông đúc, và cũng như Vũ Hán, đây có thể là nơi phát tán dịch bệnh," ông Neal nói.
Theo giáo sư Neal, việc Covid-19 có liên quan tới châu Âu cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên bởi virus này đã lây lan ra toàn thế giới.
Yang Peng, thành viên của Nhóm Chuyên gia Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch viêm phổi Corona mới Bắc Kinh, nói với kênh CCTV rằng dịch Covid-19 có thể xuất hiện ở Trung Quốc thông qua các sản phẩm thịt hoặc hải sản bị nhiễm khuẩn.
“Thông qua xét nghiệm đã phát hiện ra rằng virus đến từ châu Âu. Đánh giá sơ bộ cho thấy virus có liên quan tới hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ virus xuất phát từ đâu. Nó có thể thông qua hải sản hoặc thịt bị nhiễm khuẩn, hoặc có thể từ những người có mặt tại chợ”, ông Yang nói.
Tuy nhiên, Espen Nakstad, người dẫn đầu chương trình ứng phó Covid-19 của Na Uy, cho biết ông không tin rằng virus tới Trung Quốc thông qua cá hồi.
“Khó có thể hình dung cách cá hồi mang virus corona tới Trung Quốc”, ông Nakstad nói.
Thành Đạt
Theo Bloomberg, Reuters
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn