David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Vụ các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ngày 16/10 phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ rằng yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông là “phi pháp và vô lý”.
“Thông qua các hành động khiêu khích liên tiếp nhằm khẳng định yêu sách đường chín đoạn, Bắc Kinh đang ngăn cấm các nước thành viên ASEAN tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng trị giá 2,5 nghìn tỷ USD, đồng thời góp phần gây ra sự bất ổn và nguy cơ xung đột”, ông Stilwell nói trước ủy ban Thượng viện Mỹ.
“Chân lý cốt lõi về hệ thống quốc tế được Mỹ ủng hộ đang bị thách thức bởi hoạt động xây dựng và quân sự hóa trái phép các thực thể nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông. Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa không chỉ với các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, hay với các nước Đông Nam Á nói chung, mà còn với toàn bộ các quốc gia giao thương đi lại, và những nước tôn trọng tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Ông Stilwell khẳng định yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông không có cơ sở về “pháp lý, lịch sử hay địa lý”.
Tháng 7/2016, tòa trọng tài thường trực ở Hà Lan cũng đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên Bắc Kinh cho đến nay vẫn lớn tiếng từ chối công nhận phán quyết của tòa.
“Mặc dù họ vẫn khẳng định cam kết với chính sách ngoại giao hòa bình, song thực tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thông qua lực lượng hải quân, các cơ quan chấp pháp và dân quân biển thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tiếp tục hăm dọa và bắt nạt các nước khác. Sự quấy rối liên tục của họ đối với các tài sản của Việt Nam xung quanh bãi Tư Chính là một ví dụ điển hình”, ông Stilwell cho biết.
Hồi đầu năm nay, hàng trăm tàu cá, tàu tuần duyên và hải quân Trung Quốc đã được triển khai tới khu vực đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các tàu của Trung Quốc gần đây cũng ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
“Cách Bắc Kinh bắt nạt các nước láng giềng nhất quán với tuyên bố của cựu ngoại trưởng Trung Quốc tại Diễn đàn Khu vực ASEAN 2010 rằng “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ và đó là sự thật”. Tư tưởng này, rằng nước lớn sẽ làm những gì họ muốn làm trong khi nước nhỏ phải chịu những gì họ phải chịu, là mối đe dọa đối với chủ quyền, hòa bình, giá trị và thịnh vượng tại khu vực phát triển năng động nhất thế giới”, ông Stilwell nói.
Chính sách của Mỹ
Theo quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington cho đến nay vẫn “hoài nghi về sự chân thành của Trung Quốc” trong việc đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) “có ý nghĩa” với các nước thành viên ASEAN nhằm củng cố luật pháp quốc tế.
“Nếu bộ quy tắc ứng xử được Trung Quốc sử dụng để hợp pháp hóa hành vi ngang ngược và các yêu sách hàng hải phi pháp của họ cũng như né tránh các cam kết theo luật quốc tế, COC sẽ gây hại cho khu vực và cho những nước tôn trọng tự do hàng hải”, ông Stilwell nhận định thêm.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định chính sách của Washington trong việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và sử dụng hợp pháp Biển Đông.
“Chúng tôi phối hợp với các đồng minh và đối tác để tiến hành hoạt động huấn luyện hàng hải và các chiến dịch chung để duy trì việc tiếp cận tự do và cởi mở, và chúng tôi cũng hoan nghênh những sự kiện lịch sử đầu tiên. Chúng tôi đã tham gia vào chuyến đi chung đầu tiên của Hải quân Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines qua Biển Đông vào tháng 5/2019. Chúng tôi cũng tổ chức diễn tập hàng hải Mỹ - ASEAN đầu tiên vào tháng 9/2019”, ông Stilwell nhấn mạnh.
Theo ông Stilwell, “cùng với các hoạt động hàng ngày của các tàu và máy bay Mỹ trên toàn khu vực”, Washington cũng “tiến hành các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông trong năm 2019 nhiều nhất trong vòng 25 năm qua, nhằm chứng minh rằng Mỹ sẽ tiếp tục đưa tàu và máy bay hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Trợ lý Ngoại trưởng Stilwell cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo năm ngoái đã cam kết khoản hỗ trợ an ninh trị giá 300 triệu USD cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương để cải thiện nhận thức hàng hải, năng lực an ninh hàng hải, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, cũng như gìn giữ hòa bình.
Ông Stilwell cho biết trong khi Mỹ “có những bước tiến đáng kể trong việc củng cố và thúc đẩy trật tự mở và tự do tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, Washington cũng nhận ra rằng một số nước đang “tìm cách thách thức và thay thế trật tự này”.
“Chúng tôi cam kết hợp tác với bất kỳ quốc gia nào tuân thủ luật lệ, nhưng chúng tôi cũng sẽ phản đối bất kỳ nước nào sử dụng các hành vi trấn áp để làm suy yếu hoặc thay thế các luật lệ đó… Việc Trung Quốc theo đuổi một tầm nhìn áp đảo đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tìm cách thay đổi trật tự khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc và đặt Bắc Kinh vào vị thế cạnh tranh chiến lược với những ai đang tìm cách bảo vệ trật tự mở và tự do của các quốc gia có chủ quyền theo trật tự dựa trên luật lệ”, trợ lý ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Thành Đạt
Theo Phistar
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn