Trong một bài viết đăng trên tạp chí National Interest của Mỹ, chuyên gia quân sự người Mỹ Sebastien Roblin đặc biệt tập trung vào các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) thế hệ thứ tư của Nga, mô tả những tàu ngầm lớp Borei là “vũ khí ngày tận thế thứ thiệt” của Nga.
Chuyên gia Roblin viết giống như các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo mà Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh và Ấn Độ vận hành, mục đích chủ yếu của tàu ngầm lớp Borei gần như không thể tưởng tượng nổi: mang đến sự tàn phá cho các thành phố của kẻ thù, thậm chí các lực lượng hạt nhân khác cũng sẽ bị xóa sổ trước khi chúng được kích hoạt.a
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tinh vi Bulava
Vị chuyên gia Mỹ gọi tàu ngầm lớp Borei là “SSBN hiện đại nhất trong hải quân Nga”, được trang bị 16 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava (Mace)R-30. Mỗi tên lửa Bulava (Mace)R-30 lại mang sáu đầu đạn có đương lượng nổ 150 kiloton, được thiết kế để tách ra nhằm “kết liễu” các mục tiêu riêng rẽ.
Điều này có nghĩa một tàu ngầm lớp Borei có thể được trang bị tới 72 đầu đạn hạt nhân có sức công phá gấp 10 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống TP Hiroshima, Nhật Bản năm 1945. Những đầu đạn hạt nhân này có thể trút xuống các thành phố hoặc căn cứ cách xa tới hơn 9.000 km.
“Bulava có quỹ đạo bay nông khác thường, khiến nó khó bị đánh chặn và có thể được phóng đi trong lúc tàu ngầm Borei đang di chuyển. Tên lửa nặng 40 tấn này có thể triển khai tới 40 mồi nhử nhằm cố gắng chuyển hướng hỏa lực phòng thủ của đối phương”, ông Roblin nhấn mạnh.
Cây bút quân sự này cũng đặc biệt lưu ý tới thân tàu dài 170 của tàu ngầm lớp Borei. Thân tàu được phủ bên ngoài lớp cao su cách âm, giúp đáp ứng được mục đích chính của Borei là không bị phát hiện trong thời gian đủ lâu để khai hỏa.
“Nói cách khác, Borei được thiết kế theo tiêu chuẩn tiêu âm cao hơn so với các thiết kế ở thời kỳ Liên Xô, và có khả năng cao hơn trong việc qua mắt được kẻ thù đã phát hiện được vị trí của nó”, chuyên gia Roblin chỉ ra.
Bên cạnh đó, ông Roblin cũng đề cập tới hệ thống đẩy phản lực của tàu ngầm. Nhờ hệ thống này, Borei có thể giữ “im lặng” một cách bất thường trong khi di chuyển với tốc độ dưới nước tối đa 30 hải lý (55km/giờ).
“Có lẽ điều này giúp Borei yên tĩnh hơn, và có khả năng hoạt động độc lập ở tốc độ cao hơn so với tàu ngầm lớp Ohio (Mỹ) sử dụng cánh quạt trong hệ thống đẩy”, ông Roblin nhấn mạnh.
Ông Roblin tiết lộ ba tàu ngầm lớp Borei hiện đang hoạt động, gồm tàu ngầm Yuri Dolgoruky biên chế trong Hạm đội phương Bắc, trong khi tàu ngầm Alexander Nevsky và Vladimir Monomakh đóng tại căn cứ Vilyuchinsk của Hạm đội Thái Bình Dương ở bán đảo Kamchatka.
Nga phát triển tàu ngầm tối tân Borei-A
Ngoài ra, chuyên gia quân sự Mỹ nhắc tới những nỗ lực của Nga trong phát triển tàu ngầm Đề án 955A Borei-II/Borei-A. Borei-A sẽ có nhiều đặc tính hiện đại hơn so sới phiên bản trước.
Ông lấy ví dụ, tàu ngầm Knyaz Vladimir (Hoàng tử Vladimir) dự kiến hạ thủy trước cuối năm nay và sẽ được trang bị hệ thống tác chiến, cảm biến và hệ thống thông tin liên lạc hiện đại hơn cũng như được cải thiện khả năng cách âm và khả năng có thể ở lại được cho thủy thủ đoàn.
Ông dẫn lời của một nguồn tin Nga giấu tên cho hay tàu ngầm mới này được nâng cấp nhằm “giảm thời gian vận hành tới mức thấp nhất”.
Tất cả năm tàu ngầm Borei-A sẽ được đưa vào hoạt động năm 2021, mặc dù việc đóng tàu ở Nga thường xuyên bị chậm so với kế hoạch, theo National Interest. Tuy nhiên, với việc Hải quân Nga phải hủy bỏ, cắt giảm hoặc hạ cấp nhiều dự án trong những năm qua, số tiền đầu tư để hoàn thành các tàu ngầm này chứng tỏ Moscow đặt tầm quan trọng vào răn đe hạt nhân tàu ngầm. Những tàu này có giá thấp hơn một nửa so với tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ (890 triệu USD).
Truyền thông Nga nhiều lần cho hay sẽ có thêm hai hoặc sáu tàu ngầm Borei có thể được đóng từ giữa đến cuối năm 2020, với tổng số 10 đến 14 chiếc Borei hai loại. Hai trong số này có khả năng là phiên bản Borei-K mang tên lửa hành trình và sẽ sánh ngang với tàu ngầm mang tên lửa hành trình (SSGN) lớp Ohio của hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, những tàu ngầm lớp Borei chỉ chiếm một nửa lực lượng răn đe hạt nhân trên biển trong tương lai của hải quân Nga. Nửa còn lại đến từ một hạm đội đặc biệt gồm bốn tàu ngầm lớp Khaborovsk với mỗi chiếc mang sáu ngư lôi hạt nhân Poseidon.
Poseidon có thể giải quyết nhiều nhiệm vụ như hủy diệt căn cứ hải quân, các cụm quân, các căn cứ không quân ven bờ hoặc trên các đảo… bằng các đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ megaton.
Chuyên gia Roblin kết luận rằng Moscow dường như muốn có thêm một chút dư thừa trong khả năng đối phó một cuộc tấn công hạt nhân.
Trong khi đó, tờ Izvestia (Nga) dẫn một nguồn tin trong hải quân Nga cho biết tàu ngầm tấn công lớp Borei mới Knyaz Oleg (Hoàng tử Oleg) được trang bị 16 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, sẽ gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương của Nga năm 2020. Tàu Knyaz Oleg sẽ được bố trí ở Kamchatka và thủy thủ đoàn đã được huấn luyện và đang chờ ngày ra mắt tại TP Severodvinsk.
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn