Phương Tây thừa nhận chưa hiểu Nga

Thứ tư - 13/09/2017 06:32
Chính những nhận thức sai lầm của phương Tây đã khiến chính sách của họ đối với Nga trở nên bất định.

Cái lý của người Nga

Trang Financial Times (FT) vừa có bài phân tích nêu lên vấn đề “Phương Tây đã bao giờ hiểu Nga?”. Theo bài viết, tại thời điểm Liên Xô sụp đổ, hầu như ai cũng cho rằng Liên bang Xô viết (USSR) vững chắc như một hòn đá tảng. Sau đó, trong khi phương Tây ca ngợi việc Nga chuyển sang mô hình dân chủ và thị trường thì nước Nga khi đó dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin lại đi theo một hướng khác.

Khi các chuyên gia Mỹ tìm kiếm “mục tiêu chiến lược chung”, còn các đồng nghiệp châu Âu theo đuổi “một mối quan hệ đối tác cho quá trình hiện đại hóa”, thì giới chức Nga lại coi phương Tây như một thế lực đối lập, đồng thời cáo buộc phương Tây làm bẽ mặt Nga.

Phương Tây thừa nhận chưa hiểu Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Theo FT, có những thời điểm phương Tây vô cùng choáng váng khi chứng kiến Nga bắt đầu can thiệp vào Gruzia, Ukraine và Syria, đồng thời phương Tây tìm cách che giấu sự lúng túng của mình bằng cách nhắc lại "câu thần chú": nước Nga vốn rất khó đoán.

Ngày nay, những người từng nỗ lực hết sức để thiết lập một mối quan hệ đối tác với Nga sẽ tuyên bố rằng Nga đã chọn phương thức đối đầu, và rằng sự lựa chọn đó đã "ăn sâu bám rễ" trong lịch sử của nước này.

Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định đối đầu với phương Tây, vậy tại sao ông phải kiên nhẫn chờ Tổng thống Mỹ Donald Trump bình thường hóa quan hệ - và tại sao ông Putin lại phản ứng một cách khá nhẹ nhàng trước các lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ?

Ông Putin thậm chí còn không hề "phản pháo" Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã cố tình gây tổn hại uy tín của ông (Putin) để từ đó tạo thêm danh tiếng cho chính bản thân mình (Macron).

Phương Tây thừa nhận chưa hiểu Nga - Ảnh minh hoạ 2

Nga có đủ lý lẽ cho các hành động quân sự của mình thời gian qua

Tất cả những động thái dưới đây cũng khó có thể được coi là bằng chứng về một mong muốn "bất hòa". Các hành động quyết đoán của Moscow, chẳng hạn như vụ Nga cho máy bay áp sát các máy bay của NATO, thực ra là nhằm buộc phương Tây phải quay trở lại một mối quan hệ "vốn có thâm niên" theo các điều kiện của Kremlin.

Việc Nga can dự vào Syria không hẳn là để thể hiện sự phản đối đối với phương Tây, mà chủ yếu là nhằm kéo phương Tây ngồi vào bàn đàm phán với Nga.

“Công việc bẩn thỉu”

FT cho rằng cách phương Tây quan hệ với Nga thường rất thú vị. Ý tưởng sử dụng Nga để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc quả thật quá ngây thơ. Tại sao Kremlin lại phải hành động như một “biệt đội tự sát” của phương Tây để làm những công việc bẩn thỉu?

Bên cạnh đó, việc thuyết phục Nga thúc đẩy các mục tiêu của Mỹ có thể sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo tinh vi của các nhà phương Tây. Ai mong muốn đóng vai trò này?

Các chuyên gia cho rằng phương Tây cần tìm một mô hình mới trong chính sách kiềm chế và hợp tác với Nga. Tuy nhiên, điều này nghe có vẻ mơ hồ. Phương Tây sẽ kiềm chế Nga như thế nào nếu giới tinh hoa Nga hội nhập với phương Tây? Hơn nữa, để thực sự kiềm chế được Nga thì cần phải cô lập nước này, nhưng đây là điều phương Tây không thể làm được. Thậm chí, ý tưởng kết hợp giữa chính sách kiềm chế và hợp tác còn mơ hồ hơn.

Nhân tố chính khiến phương Tây có cái nhìn sai lầm về Nga là do khăng khăng công nhận một giải pháp duy nhất, chi phối tất cả, trong khi giải pháp đó không hề tồn tại.

Theo FT, logic tồn tại của Nga dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: vừa cộng tác với phương Tây, vừa chống lại phương Tây (cụ thể, khai thác tiềm lực của phương Tây trong khi cách ly xã hội Nga khỏi ảnh hưởng của phương Tây).

Trong giai đoạn Xô Viết, phương Tây đã phản ứng thành công với logic tồn tại này. Hiện giờ, Nga đã tạo ra được một cỗ máy vận động hành lang trong xã hội phương Tây, trong khi phương Tây lại đang không biết phải phản ứng bằng cách nào. Điều đó khiến phương Tây lúng túng Nga đã làm được những điều mà Liên Xô trước đây chưa từng mơ đến, đó là thay đổi cách đấu tranh để tồn tại ngay trong lòng phương Tây.

Phương Tây thừa nhận chưa hiểu Nga - Ảnh minh hoạ 3

Đoàn xe tăng tham gia lễ duyệt binh trên quảng trường Đỏ của Nga

Chính những nhận thức sai lầm của phương Tây đã khiến chính sách của họ đối với Nga trở nên bất định. Nhưng ngược lại, điều này chưa chắc đã tốt với Nga và bằng chứng được FT dẫn ra là việc Moscow đã không chuẩn bị tinh thần để đón nhận gói trừng phạt mới nhất của Mỹ - và đây là kết quả của việc họ hiểu sai phương Tây.

Tiếp bài “mối đe dọa” Nga

Trong khi đó, phương Tây tiếp tục tuyên truyền về cái gọi là “mối đe dọa” từ phía Nga. Ngoài sức mạnh quân sự, phương Tây còn hay nhắc tới những “biện pháp tích cực” của Nga và được gán với các hoạt động gián điệp, xuyên tạc thông tin, sử dụng các mối đe dọa.

Theo một đánh giá vừa được công bố của đồng châu Âu về quan hệ quốc tế (ECFR), Nga đang đẩy mạnh “những biện pháp tích cực” nhằm gây bất ổn xã hội và chính phủ các nước châu Âu. Theo ECFR, mục tiêu chung của Kremlin là nhằm “làm suy yếu Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và tách châu Âu ra xa khỏi Mỹ”.

Để làm điều này, Nga sử dụng nhiều tác nhân, cả nhà nước và phi nhà nước để áp dụng các “biện pháp tích cực”. Các tác nhân này có thể là các thành viên của cộng đồng tôn giáo, những người có thế lực trong lĩnh vực công nghiệp, trong chính quyền Nga, trong các cơ quan tình báo, quân đội...

Cũng theo giới phân tích phương Tây, ngoài ra, bằng cách “bơm tiền” cho các chiến dịch của các đảng phải chính trị dân túy hay thông qua các chiến dịch xuyên tạc thông tin, Kremlin đang ra sức can thiệp vào châu Âu.

Phương Tây thừa nhận chưa hiểu Nga - Ảnh minh hoạ 4

Người dân Crimea thể hiện sự vui mừng khi được sáp nhập trở lại với Nga

Bản báo cáo này cũng đề cập đến những “âm mưu” khác của Nga nhằm ngăn chặn các nước châu Âu gia nhập NATO. Đặc biệt, Moscow bị cáo buộc đã đạo diễn cuộc đảo chính bất thành vào ngày 16/10/2016, ngày diễn ra cuộc bầu cử lập pháp tại Montenegro.

Báo chí phương Tây dẫn lời Công tố viên Montenegro Milivoje Katnic đã khẳng định rằng “chúng tôi đã có những bằng chứng cho thấy cơ quan nhà nước Nga đứng đằng sau âm mưu này”.

Theo đó, những kẻ chủ mưu dự kiến xâm nhập vào tòa nhà quốc hội Montenegro bằng vũ lực để tuyên bố thắng lợi cho lực lượng đối lập. Chỉ có một động cơ duy nhất của cuộc đảo chính bất thành này là “ngăn Montenegro gia nhập NATO”.

Một ví dụ khác được nêu ra là việc can dự đối với Phần Lan, quốc gia không phải là thành viên của NATO nhưng đã ký một hiệp ước hợp tác hạn chế trong lĩnh vực quốc phòng với Mỹ vào năm 2016. Chỉ vài giờ sau khi 2 bên ký kết hiệp ước này, các máy bay chiến đấu Nga đã xuất hiện tại không phận của Phần Lan.

Tác giả: Theo Đông Triều

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây