Khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chuẩn bị diễn ra trong vài ngày tới, truyền thông Hàn Quốc dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Triều Tiên đã cách chức 3 tướng quân đội gồm Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Pak Yong Sik, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Triều Tiên Ri Myong Su và Cục trưởng Tổng cục chính trị quân đội Triều Tiên Kim Jong Gak.
Động thái “thay máu” giới tướng lĩnh quân đội của Triều Tiên trước thềm hội nghị thượng đỉnh với Mỹ đã hé lộ phần nào về nền chính trị quyền lực trong nội bộ đất nước Triều Tiên, cũng như sự phức tạp trong quá trình triển khai chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Kim Jong-un.
Một điều không thể bàn cãi là sự ủng hộ của giới quân sự đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ kế hoạch nào tại Triều Tiên, từ chính sách phi hạt nhân hóa cho tới nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và thậm chí cả Nhật Bản. Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi cuối tháng 4 là bằng chứng rõ ràng cho thấy sự ủng hộ từ các tướng lĩnh cấp cao nhất trong quân đội Triều Tiên cho chính sách ngoại giao hòa dịu mới của ông Kim Jong-un.
Trái ngược với hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đó vào các năm 2000 và 2007 khi không có bất kỳ quan chức quân sự nào nằm trong danh sách đại biểu chính thức của phái đoàn Triều Tiên, tại thượng đỉnh liên Triều vừa diễn ra, các tướng lĩnh Triều Tiên mặc quân phục và đeo nhiều huân huy chương trước ngực, xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Những vị tướng này giơ tay chào theo kiểu quân đội khi gặp Tổng thống Moon Jae-in.
3 trong số 9 quan chức của phái đoàn Triều Tiên đi cùng ông Kim Jong-un tới khu phi quân sự liên Triều gặp Tổng thống Moon Jae-in là các tướng lĩnh cấp cao của quân đội, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Pak Yong Sik, Tổng tham mưu trưởng Ri Myong Su và Tướng Kim Yong Chol - người từng bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công tàu hải quân Hàn Quốc năm 2010. Hai trong số 3 tướng lĩnh cấp cao này được cho là bị cách chức mới đây.
Một quan chức quân đội khác cũng có mặt tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều mới nhất là Ri Son Gwon, người lãnh đạo cơ quan có chức năng tương tự Bộ Thống nhất của Hàn Quốc. Ông Ri từng là người đứng đầu văn phòng phụ trách chính sách của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên trước khi được bổ nhiệm vào vị trí hiện tại hồi năm 2016, và từng là nhà đàm phán về các vấn đề quân sự với Hàn Quốc kể từ năm 2006.
Sự xuất hiện của các tướng lĩnh quân đội trong phái đoàn cấp cao đi cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng: chính sách ngoại giao của ông Kim Jong-un với “cựu thù” Hàn Quốc đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của lực lượng quân đội. Tuy nhiên, việc các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội ủng hộ chính sách của nhà lãnh đạo Triều Tiên không có nghĩa là các cấp thấp hơn cũng đồng tình như vậy.
Sự bất mãn
Một báo cáo mang tên Nghiên cứu về Quan hệ đảng - quân đội của chính quyền Kim Jong-un do Bộ Thống nhất Hàn Quốc công bố năm 2016 cho thấy, quân đội Triều Tiên muốn xây dựng một “chính phủ đặt trọng tâm vào quân đội” hoặc muốn can thiệp để định hình lại nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Triều Tiên trong trường hợp nhà lãnh đạo Kim Jong-un thất bại trong việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế. Tới tháng 2/2018, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc thông báo với Quốc hội rằng “tâm lý bất mãn đang nhen nhóm” trong nội bộ quân đội Triều Tiên.
Theo Cho Han-bum, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, “phe diều hâu” trong lực lượng quân đội Triều Tiên đang bức xúc với thực tế rằng, sau nhiều năm các binh sĩ Triều Tiên phải “nếm mật nằm gai” vì sự nghiệp hạt nhân của đất nước, bao gồm những khoảng thời gian sống kham khổ, ông Kim Jong-un giờ đây sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Đối với họ, vũ khí hạt nhân là “thanh gươm báu”, là niềm tự hào dân tộc và là vũ khí phòng vệ cần thiết để đối phó với hành động gây hấn từ bên ngoài.
Với gần 6,5 triệu quân nhân, bao gồm khoảng 1 triệu quân thường trực, việc duy trì kỷ luật tổ chức và sự trung thành là chìa khóa để củng cố những bước đi của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên con đường ngoại giao hòa bình cũng như đảm bảo sự tồn vong về chính trị của chính quyền Triều Tiên.
Hồi tháng 4, tại phiên họp toàn thể của các quan chức cấp cao trong đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Jong-un chính thức tuyên bố dừng chiến lược byungjin, trong đó coi phát triển quân sự và hạt nhân làm nền tảng cho phát triển kinh tế. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn chuyển hướng tập trung sang phát triển kinh tế và khoa học.
Theo New York Times, ông Kim Jong-un từng ca ngợi các nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên là những anh hùng, thậm chí xây dựng hẳn một khu nhà ở riêng tại thủ đô Bình Nhưỡng dành cho họ hồi năm 2015. Trong nhiều bài phát biểu, ông Kim cũng dành những lời tán dương cho các cá nhân đóng góp vào chương trình công nghệ và khoa học, đặc biệt là “những nhà khoa học và công nhân quốc phòng”.
Nếu Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, các nhà khoa học và các chuyên gia hạt nhân sẽ cảm thấy như thế nào khi họ từng được xem là lực lượng không thể tách rời với sự tồn vong của Bình Nhưỡng?
Người dân Triều Tiên muốn nghe lời giải thích về lý do khiến chính quyền Kim Jong-un quyết định xem xét lại chương trình hạt nhân mà Bình Nhưỡng theo đuổi suốt hàng chục năm nay, cũng như việc chính quyền từ bỏ tham vọng hạt nhân sang một bên và kết bạn với kẻ thù.
Theo đó, chính quyền Triều Tiên gần đây tích cực đưa tin tới người dân về hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc cũng như những thay đổi lớn trong chính sách quốc gia, khác hẳn với sự kín tiếng trong hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đây. Truyền thông nhà nước Triều Tiên tăng cường đưa tin về sự lạc quan trong việc cải thiện quan hệ liên Triều, thậm chí các áp phích tuyên truyền và khẩu hiệu cũng được sử dụng để truyền tải những thông điệp chính trong Tuyên bố chung Panmunjom do hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều ký kết là “hòa bình, hợp tác và thống nhất”.
Có nhiều đồn đoán về nguyên nhân khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un cách chức Tướng Pak Yong Sik và Tướng Ri Myong Su để thay thế bằng những gương mặt trẻ hơn. Lý do thực sự có thể liên quan tới sự trung thành của hai viên tướng này, hoặc lo ngại về nguy cơ đảo chính trong quãng thời gian ông Kim Jong-un rời Triều Tiên để ra nước ngoài gặp Tổng thống Trump.
Một khả năng khác giải thích cho quyết định cách chức của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là năng lực của hai gương mặt trẻ được lựa chọn để kế nhiệm, gồm Tướng No Kwang Chol giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và Ri Yong Gil giữ chức Tổng tham mưu trưởng. Họ không chỉ có nhận thức chính trị tốt hơn mà còn có khả năng hỗ trợ tốt hơn cho cuộc gặp thượng đỉnh cũng như các cuộc đàm phán cấp cao sắp tới giữa Triều Tiên với quân đội Hàn Quốc về một loạt vấn đề, bao gồm việc nâng cao liên lạc quân sự song phương, hợp tác hòa bình giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trên biển và tại đường ranh giới quân sự, giảm lực lượng vũ trang và trạm gác ở khu phi quân sự liên Triều.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn