Các quan chức Mỹ và Triều Tiên vẫn đang tiến hành các cuộc hội đàm để chuẩn bị hậu cần cho cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore. Nếu cuộc gặp diễn ra thành công, đó cũng là lúc ông Kim Jong-un hoàn thành mục tiêu lớn nhất của gia tộc họ Kim suốt hàng chục năm qua.
Trong lúc đàm phán, Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa đi đến thống nhất về mức độ nhượng bộ mà Bình Nhưỡng có thể nhận được từ Washington để đổi lấy cam kết phi hạt nhân hóa, cũng như chính quyền Kim Jong-un sẽ đi xa tới mức nào trên con đường từ bỏ chương trình hạt nhân.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng khoảnh khắc Tổng thống Trump bước vào phòng đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng là lúc Bình Nhưỡng đạt được chiến thắng lớn nhất của nước này.
“Tổ chức hội nghị thượng đỉnh với tổng thống Mỹ là điều mà nhiều nước khao khát đạt được. Đối với Triều Tiên, một quốc gia về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Mỹ, việc nhà lãnh đạo của họ có thể ngồi cùng bàn đàm phán với tổng thống Mỹ là một sự kiện trọng đại”, Jean H. Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson có trụ sở tại Mỹ, nói với CNN.
Theo nhận định của chuyên gia Lee, cố lãnh đạo Kim Il-sung và Kim Jong-il, ông nội và cha của đương kim lãnh đạo Kim Jong-un, sẽ “cảm thấy vô cùng tự hào” nếu được chứng kiến con cháu của họ xây dựng Triều Tiên trở thành một quốc gia “danh chính ngôn thuận” trên trường quốc tế.
"Ông Kim Jong-un đang thực hiện những bước đi cuối cùng trên con đường mà ông nội của ông chưa hoàn thành được, và đây cũng là một phần trong quá trình củng cố vị thế của ông như thế hệ thứ ba trong gia tộc họ Kim lãnh đạo đất nước Triều Tiên”, chuyên gia Lee nhận định.
Chỉ 5 tháng trước đây, Triều Tiên vẫn là quốc gia bị cô lập và hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt nặng nề của cộng đồng quốc tế. Còn ở thời điểm hiện tại, cuộc gặp với tổng thống Mỹ đương nhiệm đã trao cho Bình Nhưỡng một vị thế được tôn trọng.
“Cuộc gặp này mang rất nhiều ý nghĩa. Đây là bằng chứng cho thấy Triều Tiên vẫn hiện diện ở đó, họ là một quốc gia và nhà lãnh đạo của họ là nhà lãnh đạo ở tầm thế giới”, Jim Hoare, cựu đại biện Anh tại Triều Tiên, nhận định.
Cuộc gặp lịch sử
Trước ông Kim Jong-un, các thành viên trong gia đình lãnh đạo Kim cũng từng gặp các cựu tổng thống Mỹ. Cựu Tổng thống Jimmy Carter gặp ông Kim Il-sung vào năm 1994 trước khi khi cựu Tổng thống Bill Clinton gặp ông Kim Jong-il vào năm 2009. Tuy nhiên, cả hai cuộc gặp này đều diễn ra khi các tổng thống Mỹ đã rời nhiệm sở.
Vào thời điểm năm 2000, nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã tiến rất gần mục tiêu gặp mặt cựu Tổng thống Clinton khi ông Clinton còn đương chức. Tuy nhiên sự kiện này cuối cùng bị hủy sau khi chính quyền Bill Clinton cho rằng Triều Tiên không thực sự đáng tin cậy. Thay vào đó, ông Bill Clinton đã cử Ngoại trưởng Madeleine Albright đại diện ông tới Bình Nhưỡng.
“Tổng thống Clinton rất khôn ngoan khi nói rằng “Tôi sẽ không gặp mặt cho tới khi mọi thứ được chuẩn bị”. Tôi đã cử ngoại trưởng của mình đi thay”, bà Alright nhớ lại.
Theo giới chuyên gia, một khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra, có nhiều lợi ích tiềm năng mà Triều Tiên có thể nhận được, trong đó lợi ích đầu tiên là sự an toàn của chính quyền Bình Nhưỡng.
Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Mỹ - Hàn và Bình Nhưỡng vẫn xem Washington là mối đe dọa lớn nhất cho sự tồn tại của chính quyền. Bất kỳ hiệp ước hòa bình nào được ký kết với Hàn Quốc cũng như những lợi ích mà văn kiện này mang lại đều cần có sự chấp thuận của Mỹ.
“Có một niềm tin mạnh mẽ trong nội bộ Triều Tiên rằng, chỉ khi Mỹ dừng chính sách thù địch, Triều Tiên mới có thể an toàn và sẽ không còn ai can thiệp vào Triều Tiên”, cựu đại biện Anh tại Triều Tiên Jim Hoare nhận định.
Ngoài lo ngại về chính sách thù địch, các lệnh trừng phạt mạnh tay do Liên Hợp Quốc áp đặt trong suốt nhiều năm nhằm phản đối các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã khiến nguồn thu của Bình Nhưỡng bị sụt giảm đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nguyên liệu thô. Theo đó, nếu được Mỹ nới lỏng trừng phạt và nhận được sự bảo đảm an ninh từ Washington, đây có thể coi là thắng lợi lớn cho ông Kim Jong-un. Nhà lãnh đạo Triều Tiên rất chờ đợi điều này trong bối cảnh ông đang tìm cách củng cố chính quyền sau nhiều năm đối mặt với khó khăn.
Chuyên gia Lee cho rằng rất khó để hiểu rõ động lực chính trị của chính quyền Triều Tiên nếu chỉ nhìn mọi thứ từ bên ngoài. Tuy nhiên, một điều có thể nhận thấy là nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã xây dựng một nền tảng quyền lực để ông tiếp tục nắm quyền trong nhiều thập niên tới.
“Là nhà lãnh đạo trẻ bất ngờ lên nắm quyền sau khi cha mất, rất khó để tưởng tượng rằng ông Kim Jong-un sẽ không gặp phải bất kỳ thách thức nào hay không cảm thấy bất an”, bà Lee nhận định.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn