Tàu đổ bộ Type 726
Tàu độ bộ Type 726A do Trung Quốc chế tạo được coi là một “bản sao” giống y hệt thủy phi cơ LCAC mà hải quân Mỹ dùng để vận chuyển từ đạn dược, xe tăng tới hỗ trợ các chiến dịch triển khai gần bờ biển của đối thủ. Cả 2 tàu đều có đặc tính quân sự giống nhau, ví dụ như cả 2 tàu đều có thể chở 60 tấn hàng hóa, tuy nhiên tàu LCAC có thể chở quá thêm 15 tấn so với Type 726A.
Theo trang "We are the mighty', tàu của Trung Quốc có thể được coi là mối đe dọa cho Đài Loan, do hòn đảo chỉ cách đại lục đúng một eo biển hẹp. Tàu Type 726A có thể dễ dàng băng qua vùng biển này và mang theo các xe tăng chiến đấu chủ lực của Bắc Kinh sang Đài Loan.
Máy bay không người lái Star Shadow
Trung Quốc coi dự án Star Shadow là một máy bay không người lái đầy triển vọng, do công ty Star UAV System (Thành Đô) chế tạo và phát triển. Tuy nhiên, Star Shadow được cho là sản xuất dựa trên máy bay không người lái X-47B của Mỹ.
Ngoài việc “học hỏi” dựa theo hình ảnh mà Mỹ công khai của X-47B thì các nhà sáng chế Trung Quốc dường như có thể nghiên cứu về công nghệ dựa vào chiếc máy bay không người lái RQ-170 rơi ở Iran. Ngoài ra, gián điệp của Trung Quốc ở Mỹ được cho là đã “tuồn” về các tài liệu liên quan tới công nghệ tàng hình.
Hiện chưa rõ liệu Star Shadow có được chế tạo dựa trên công nghệ mà Trung Quốc lấy của Mỹ hay không, tuy nhiên sự tương đồng giữa X-47B và Star Shadow là không thể phủ nhận.
Máy bay không người lái CH-4
Máy bay CH-4B của Trung Quốc giống đến lạ kỳ với máy bay không người lái MQ-1 Predator từ tầm cao tối đa, nhiệm vụ chức năng cho tới trang bị vũ khí. Tuy nhiên, tập đoàn khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc lại sản xuất chiếc CH-4B với giá cạnh tranh hơn hẳn, hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Ngoài ra, chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ cũng được cho là bị “sao chép”. Tuy nhiên phiên bản máy bay không người lái CH-5 của Trung Quốc không đạt được thông số kỹ thuật như “bản gốc” khi chỉ đạt trần cao 9.000 m, trong khi MQ-9 đạt 15.000 m.
Máy bay vận tải hạng nặng Y-20
Ra mắt vào tháng 6/2016, máy bay Y-20 của Trung Quốc được coi là phiên bản “anh em họ” của máy bay vận tải C-17 của Mỹ, với kích thước nhỏ hơn. Dù vậy, Y-20 vẫn có thể mang được các xe tăng chiến đấu chủ lực của Bắc Kinh và các khí tài quân sự tới các địa điểm trên thế giới.
Trước đó, một cựu nhân viên hãng Boeing đã bị cáo buộc bán công nghệ C-17 cho Trung Quốc năm 2009, thời điểm Y-20 đang trong giai đoạn phát triển. We are the mighty cho rằng đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Trực thăng Z-20
Trung Quốc đã mua trực thăng Sikorsky S-70 hồi những năm 1980, biến thể dân dụng của trưc thăng quân sự UH-60 Black Hawk. Sau đó, Trung Quốc tuyên bố họ đã chế tạo các trực thăng Z-20, mà giới quan sát đánh giá về cơ bản là dựa trên UH-60. Điểm khác biệt giữa 2 máy bay là Z-20 có thêm 1 cánh quạt thứ 5 và có tải trọng thấp hơn UH-60.
Tàu khu trục Type 052
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052 của Trung Quốc có hệ thống radar lớn, ống phóng thẳng đứng có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, từ tàu ngầm cho tới tên lửa đối phương, cũng như khoang chứa trực thăng giống như tàu khu trục lớp Arleigh-Burke của Mỹ. Dĩ nhiên, vẻ ngoài và thiết kế của 2 tàu này cũng rất giống nhau.
Theo We are the mighty, Trung Quốc có thể đã sao chép tàu khu trục nổi tiếng của Mỹ.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn