Quốc hội Anh ngày 12/3 đã lần thứ 2 bỏ phiếu chống lại thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May đề xuất với 391 phiếu phản đối, 242 phiếu ủng hộ. Trước đó, bà May đã hy vọng rằng quá trình này sẽ diễn ra suôn sẻ để việc đưa Anh ra khỏi liên minh châu Âu EU sẽ thuận lợi và đúng với thời hạn 29/3 sắp tới.
Tới ngày 13/3, Quốc hội Anh tiếp tục bỏ phiếu chống lại viễn cảnh Anh rời EU mà không có thỏa thuận. Hôm nay, họ sẽ lại tiếp tục bước vào phiên bỏ phiếu liệu có tán thành việc Anh đề xuất EU kéo dài thời hạn Brexit hay không.
Nếu tán thành, bà May sẽ quay trở lại EU để xin kéo dài thời hạn thực hiện điều 50 của Công ước Lisbon. Trong trường hợp các nước thành viên của khối đều đồng ý với đề xuất của Anh, Brexit sẽ bị hoãn lại. Bà May nói rằng quá trình tạm hoãn sẽ không dài hơn 3 tháng. Tuy nhiên, trong 3 tháng đó, hàng loạt những khả năng có thể xảy ra.
Rời EU mà không có thỏa thuận
Khả năng xấu nhất mà Anh không mong muốn đó chính là sự chia ly không có thỏa thuận, kịch bản mang lại hàng loạt rủi ro trên mọi lĩnh vực cho London. Nếu trong thời hạn tạm hoãn Brexit, cả Anh và EU đều không thể đồng thuận quan điểm, thì phương án trên có thể sẽ xảy ra.
Tiếp tục biểu quyết lần 3
Phương án đơn giản nhất với bà May đó chính là tiếp tục đề xuất một cuộc biểu quyết lần 3 ở Quốc hội. Dù đã thất bại 2 lần trước, nhưng khoảng cách giữa số phiếu ủng hộ và phản đối ở lần 2 đã ít hơn lần 1 và giới quan sát cho rằng bà May có thể tiếp tục kiên trì với thỏa thuận hiện tại với hy vọng đảo ngược được tình thế.
Đàm phán lại
Phương án thứ 3, chính phủ Anh sẽ phải tiếp tục đưa ra một đề xuất Brexit mới. Tuy nhiên, lúc này quyền chủ động đã thuộc về EU. Nếu EU chấp nhận thương lượng lại, quá trình đàm phán Brexit sẽ khởi động lại gần như từ đầu. Tuy nhiên, khi EU không đồng tình, Anh hoặc là sẽ lựa chọn ra khỏi khối mà không có thỏa thuận, hoặc phải tổ chức trưng cầu ý dân, tổng tuyển cử hoặc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ bà May để tìm hướng đi mới.
Trưng cầu dân ý lại
Phương án Anh tổ chức lại trưng cầu ý dân về Brexit vẫn có khả năng xảy ra, theo BBC. Cuộc trưng cầu có thể chỉ có tính không ràng buộc về mặt pháp lý giống như lần bỏ phiếu năm 2016 về việc Anh có nên rời EU hay không. Tuy nhiên, một số nhà làm luật muốn một cuộc trưng cầu ràng buộc với kết quả không chỉ có tính tham khảo mà sẽ tự động có hiệu lực.
Tuy nhiên, dù theo phương án nào, trưng cầu dân ý không thể diễn ra ngay lập tức. Giới quan sát ước tính thời hạn tối thiểu để có thể tổ chức lại trưng cầu kéo dài 22 tuần.
Tổng tuyển cử sớm
Một phương án nhằm thoát khỏi bế tắc đó là Anh có thể tổ chức tổng tuyển cử sớm để có được sự ủy nhiệm chính trị cho Brexit. Tuy nhiên, phương án này cần 2/3 số nghị sĩ ủng hộ, và sẽ mất ít nhất 25 ngày để thực hiện nếu được Quốc hội chấp thuận.
Bỏ phiếu bất tín nhiệm
Ngoài ra, Công đảng Anh có thể đệ đơn xin bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ bà May, nhằm giúp các nghị sĩ quyết định họ có muốn chính phủ hiện tại tiếp tục nắm quyền hay không. Nếu chính phủ bà May thất bại trong cuộc bỏ phiếu, Anh sẽ tổng tuyển cử sớm để bầu ra chính phủ mới tiếp tục dẫn dắt Brexit.
Không rời khỏi EU
Tòa án công lý Anh trước đó đã tuyên bố rằng Anh có thể đơn phương thu hồi lại điều 50 để hủy bỏ Brexit mà không cần sự thông qua 27 nước thành viên khác. Đây được coi là động thái của EU nhằm mở rộng cửa để Anh “suy nghĩ lại”.
Tuy nhiên, vì chính phủ Anh hiện tại vẫn đang hướng tới Brexit nên các chuyên gia cho rằng để kịch bản trên có thể xảy ra Anh phải trải qua một sự kiện lớn như trưng cầu dân ý lại hoặc tổng tuyển cử bầu ra chính phủ mới.
Đức Hoàng
Theo BBC
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn