Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Getty)
Tháng 1: Ông Trump nhậm chức
Một ngày trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức tại Washington, Triều Tiên đã chuẩn bị sự “chào đón” đặc biệt dành cho tổng thống Mỹ tương lai. Vào ngày 19/1, các vệ tinh báo Mỹ đã phát hiện các hiệu về sự hoạt động tại nhà máy tên lửa Chamjin của Triều Tiên ở phía tây nam Bình Nhưỡng, dường như sẵn sàng cho một vụ thử tên lửa đạn đạo.
Mười ngày sau đó, ngày 29/1, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chuẩn bị cho chuyến thăm đầu tiên tới châu Á, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị khởi động lại lò phản ứng plutonium tại cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Tháng 2: Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm châu Á
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lần đầu công du châu Á
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis bắt đầu chuyến thăm châu Á, khi ông hạ cánh xuống căn cứ không quân Osan ở ngoại ô Seoul, Hàn Quốc. Một vấn đề chính được thảo luận trong chuyến thăm là việc triển khai hệ thống phòng tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên.
Ba ngày sau đó, trong một cuộc diễn tập vào ngày 5/2, Mỹ và đồng minh Nhật Bản bắn hạ thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung thử nghiệm với một tên lửa đánh chặn được phóng đi từ một tàu khu trục tên lửa dẫn đường.
Triều Tiên không đợi lâu để đáp trả. Ngày 11/2, Triều Tiên tuyên bố thử thành công một tên lửa đạn đạo chưa được biết tới trước đó, tên gọi Pukguksong-2. Đây là vụ thử nghiệm đầu tiên trong thời chính quyền Trump.
Trong một diễn biến đáng chú ý của tháng 2, ông Kim Jong-nam, anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, được cho là bị sát hại tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên và các căng thăng gia tăng, Trung Quốc cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên cho tới hết năm 2017, tuân thủ nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc được thông qua hồi tháng 11 năm ngoái.
Tháng 3: Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa
Triều Tiên công bố ảnh phóng 4 tên lửa đồng thời
Đây là một tháng bận rộn hơn trên bán đảo Triều Tiên. Vào ngày 6/3, Triều Tiên thử đồng thời 4 tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản, trong một động thái mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe miêu tả là một “hành động khiêu khích nguy hiểm”.
Các tên lửa được bắn đi trong khuôn khổ một cuộc tập trận của các đơn vị pháo binh của Triều Tiên nhằm vào các thiết bị quân sự của Mỹ tại Nhật Bản, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên.
Cùng ngày với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ bắt đầu tới Hàn Quốc.
Vào ngày 14/3, Mỹ, cùng với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, đã đáp trả các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, điều các tàu phòng vệ tên lửa công nghệ cao tới cùng khu vực nơi Bình Nhưỡng đã phóng 4 tên lửa. Các tàu chiến Aegis bắt đầu các cuộc tập trận nhằm cải thiện khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo của đối phương.
Binh sĩ Triều Tiên lén chụp ảnh Ngoại trưởng Mỹ
Cuộc tập trận diễn ra khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới châu Á, tới Nhật Bản hôm 15/3.
Năm ngày sau đó, Bình Nhưỡng một lần nữa khiến căng thẳng leo thang khi thử nghiệm một động cơ tên lửa. Trong khi đó, Nhật Bản cũng bắt đầu tổ chức cuộc tập trận sơ tán để đối phó tình huống bất kỳ tên lửa tiềm tàng nào của Triều Tiên có thể nhằm vào nước này.
Triều Tiên phóng thêm một tên lửa khác chỉ vài ngày sau vụ thử động cơ, nhưng nó phát nổ chỉ vài giây sau vụ phóng.
Cuối tháng 3, Bình Nhưỡng một lần nữa tiến hành các vụ thử động cơ - công nghệ có thể được sử dụng cho một tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Trong một động cơ riêng rẽ, Mỹ thông báo rằng lính thủy đánh bộ Mỹ đã triển khai các máy bay chiến đấu tàng hình F-35B tới Hàn Quốc lần đầu tiên trong khuôn khổ một cuộc tập trận.
Tháng 4: Căng thẳng leo thang chưa từng có
Ngày 2/4, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ sẵn sàng hành động một mình để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên nếu Trung Quốc không thể thay đổi tình hình.
Chỉ 2 ngày sau đó, khi ông Trump chuẩn bị gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida, Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo khác ra ngoài khơi bờ biển bán đảo Triều Tiên.
Cũng trong khi lãnh đạo Mỹ-Trung gặp nhau tại Florida, ông Trump đã đưa ra quyết định không kích Syria bằng tên lửa - hành động quân sự lớn nhất của ông Trump kể từ khi nhậm chức và được cho là nhằm gửi một tín hiệu cứng rắn Bình Nhưỡng.
Ngay sau đó, Triều Tiên đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ về việc Mỹ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tới khu vực, cảnh báo rằng Bình Nhưỡng sẽ đáp trả hành động khiêu khích liều lĩnh nào, bất kể biện pháp gì mà Mỹ muốn thực hiện.
Ít ngày sau đó, nhóm nghiên cứu 38 North cho biết Triều Tiên dường như đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần 6.
Mỹ thả bom phi hạt nhân lớn nhất, được mệnh danh là “mẹ của các loại bom”, xuống một mục tiêu của nhóm phiến quân IS tại Afghanistan và đây là lần đầu tiên loại vũ khí này được sử dụng trong chiến đấu.
Tên lửa Triều Tiên trong cuộc duyệt binh quy mô lớn
Ngày 15/4, tại một cuộc duyệt binh hoành tráng thường niên tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã khoe một loạt tên lửa và thiết bị phóng mới. Việc phân tích các hình ảnh cho thấy trong số các tên lửa được phô diễn có 2 ống phóng cỡ tên lửa đạn đạo liên lục địa, một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và phiên bản trên bộ của tên lửa cùng loại.
Ngày 16/4, Triều Tiên phóng một lửa nhưng thất bại. Mỹ và Hàn Quốc nói tên lửa phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng.
Giữa lúc căng thẳng leo thang, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tới thăm châu Á. Ông tới thăm khu vực phi quân sự liên Triều và cảnh báo rằng Bình Nhưỡng không nên thử sự quyết tâm của Mỹ hay “sức mạnh quân sự của chúng tôi”.
Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim In Ryong đã đáp trả, cảnh báo rằng các hành động và những lời hăm dọa của Mỹ đã gây ra “tình hình nguy hiểm trong đó một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể bùng phát trên bán đảo bất kỳ lúc nào và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và sự ổn định”.
Tác giả: An Bình
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn