Đòn đánh kinh hoàng
TASS dẫn nguồn tin quân sự Nga tiết lộ: "Trong bài thử nghiệm mới, tên lửa Zircon đã đạt đến tốc độ Mach 8, tức là nhanh gấp 8 lần vận tốc của âm thanh". Mặc dù tiết lộ về tốc độ đạt được trong thử nghiệm nhưng Nga không nói rõ hệ thống nào đã thực hiện vụ phóng này.
Nguồn tin cho biết thêm, tên lửa siêu thanh Zircon có thể được phóng từ hệ thống 3C14, loại thường được sử dụng để phóng tên lửa Onyx và Kaliber hiện nay của Hải quân Nga.
Được biết, ngay trước khi cuộc thử nghiệm này được công khai (khi Zircon mới chỉ được biết đến với tốc độ 7.400km/h) tờ Daily Mail khẳng định rằng, chỉ cần một đòn đánh của tên lửa này cũng đã đủ khiến siêu tàu sân bay phải nằm lại đáy biển.
Theo nguồn tin này, tên lửa Zircon có tốc độ lên đến 7.400km/h. Trong khi đó, toàn bộ lưới lửa phòng thủ của Hải quân Anh chỉ có thể bắn hạ tên lửa đang bay ở vận tốc tối đa 3.700 km/h. "Trên thực tế, tàu sân bay sẽ trở nên vô dụng đối với các loại vũ khí mới của Nga", theo Daily Mail.
Nguồn tin này cho biết, muốn thoát khỏi cú đánh chết người từ tên lửa Nga, tàu sân bay Anh không còn cách nào khác là luôn phải nằm ngoài tầm với của Zircon. Và "các máy bay và trực thăng sẽ không đủ nhiên liệu bay đến mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ và quay trở lại boong tàu. Điều này có nghĩa rằng các cuộc tấn công từ tàu sân bay là vô giá trị".
Chuyên gia hải quân Pete Sandeman cho biết: "Một vấn đề nghiêm trọng được đặt ra đối với việc bảo vệ tàu nổi trước tên lửa siêu thanh. Thời gian để phản ứng lại là quá ít, ngay cả khi mục tiêu đã được phát hiện, thì các phương tiện phòng thủ hiện đại cũng không thể tiêu diệt nó. Thậm chí nếu có thể bắn hạ tên lửa bằng các loại vũ khí tầm gần, thì các mảnh vỡ tên lửa có động năng lớn vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng cho con tàu".
Việc tiến hành thử nghiệm lần đầu của loại vũ khí mới đã được tổ chức vào đầu năm 2017, đến năm 2018 tàu tuần dương hạt nhân Piotr Đại đế có thể được trang bị loại vũ khí này, theo Daily Mail.
Không có đối thủ
Trò chuyện với hãng thông tấn RIA Novosti, một đại diện cấp cao của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, nhà sản xuất nước này đang thực hiện các cuộc thử nghiệm đầu tiên của tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh 3M22 Zircon, có tốc độ nhanh nhất thế giới.
Vị đại diện này cho biết, những nguyên mẫu tên lửa Zircon đầu tiên đã được chế tạo xong và đang trải qua thử nghiệm trên các bệ phóng trên mặt đất. Đây sẽ là những thử nghiệm cơ sở quan trọng cho quá trình phát triển các biến thể phóng trên hạm và trên máy bay của dòng tên lửa này.
Thông báo trên cho thấy tốc độ phát triển cực nhanh của dòng tên lửa được cho là bước đột phá trong tương lai, được các chuyên gia quân sự thế giới đánh giá là sát thủ số 1 thế giới trong lĩnh vực tên lửa hành trình chống hạm.
Trước đây, trong buổi công bố kế hoạch nâng cấp siêu tuần dương hạng nặng hạt nhân (TARKR) mang tên Đô đốc Nakhimov, thuộc dự án 11.442M, lớp Orlan (NATO định danh lớp Kirov), các quan chức Nga cho biết là tên lửa sẽ thử nghiệm năm 2020, nhưng hiện nay nó đã bắt đầu thử nghiệm.
Cơ sở phụ trách phát triển tổ hợp tên lửa chống hạm siêu thanh Zircon là Tập đoàn tên lửa chiến lược (thuộc NPO Mashinostroenie) - nhà sản xuất tên lửa hàng đầu của Nga và thế giới.
Đến nay người ta chỉ biết rằng, tên lửa 3M22 Zircon sẽ có tốc độ tối đa lên tới Mach 6 (tương đương gần 7.500km/h) và có khả năng phá hủy mục tiêu trong bán kính khoảng 400 - 600 km và có thể hơn nữa. Nó sẽ được phóng từ các hệ thống phóng thẳng đứng (VLS).
Ngoài phiên bản phóng từ máy bay chiến đấu dòng Su-30 trở lên và các chiến hạm mặt nước có hệ thống VLS của Nga, tên lửa Zircon có thể được trang bị trên tàu ngầm hạt nhân đa năng thế hệ thứ 5 Husky, do Viện thiết kế hàng hải Malachite thiết kế, chế tạo, nguồn tin cho biết.
Có giả thiết cho rằng, Zircon là phiên bản siêu thanh thế hệ mới, được phát triển từ tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos (mà phiên bản BrahMos Block II có thể là phiên bản xuất khẩu). Điều này cũng tương tự như việc Nga và Ấn Độ đã phát triển BrahMos trên cơ sở tên lửa P-800 Onyx.
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi vào tháng 2 vừa qua, công ty BrahMos Aerospace đã tiết lộ rằng, phiên bản siêu thanh của BrahMos (BrahMos Block II) với vận tốc có thể lên tới Mach 7 và tầm phóng 300km, vốn được hoàn thành thiết kế từ năm 2012, cũng sẽ được đưa vào thử nghiệm trong năm 2016 và hoàn tất trong vòng 3-4 năm tới.
Tên lửa Brahmos-II được ra mắt tại Triển lãm hàng không quốc tế Ấn Độ ngày 6/2/2013, tại căn cứ không quân Yella Hanka ở Bangalore. Tuy thuộc họ BrahMos nhưng ngoại hình của phiên bản này khác hoàn toàn so với các anh chị em của nó và giống hệt như loại tên lửa siêu thanh X-51A Waverider của Mỹ.
Ngoài ra, việc cha đẻ của Zircon là NPO Mashinostroenie, cũng là nhà đại diện cho Nga trong liên doanh Nga-Ấn mang tên BrahMos Aerospace, thành lập năm 1998 (Ấn Độ là cổ đông lớn hơn với 50,5% cổ phần, còn Nga 49,5%) cũng cho thấy rằng, rất có thể giữa Zircon và BrahMos có mối liên quan với nhau.
Đến khi 3M22 Zircon được đưa vào sử dụng chính thức, nó sẽ trở thành tên lửa hành trình chống hạm số 1 thế giới bởi tốc độ tấn công kinh hoàng và hệ dẫn đường cực kỳ tiên tiến, khiến không hệ thống phòng thủ nào hiện có và tương lai có khả năng đánh chặn được.
Tác giả: Theo Tuấn Hưng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn