Nhóm BRICS bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đang phải chịu thiệt hại hàng chục tỷ USD mỗi năm do bệnh ung thư gia tăng nhanh
Báo cáo nghiên cứu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố mới đây cho thấy, căn bệnh ung thư khiến cho các nước thuộc Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) thiệt hại năng suất tương đương 46,3 tỷ USD trong năm 2012, năm gần đây nhất cả 5 nước này công bố dữ liệu về số người mắc bệnh ung thư. Trong đó, những ca chết trẻ do mắc bệnh ung thư đang khiến các nước BRICS cũng thiệt hại mỗi năm tới hàng chục tỷ USD.
Nhóm BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới với khoảng 3 tỷ dân và hơn 1/4 GDP toàn cầu, khoảng gần 18.000 tỷ USD. Tuy nhiên, những nước này cũng chiếm 42% ca tử vong do ung thư trên toàn cầu. WHO cho rằng sở dĩ tỷ lệ người mắc bệnh ung thư tại BRICS cao một phần do tăng trưởng kinh tế nhanh chóng kéo theo những cách sống mới như khẩu phần ăn thay đổi, mắc bệnh béo phì... Cùng với đó, một nguyên nhân rất quan trọng là do ô nhiễm môi trường bởi phát triển kinh tế được đặt lên là ưu tiên hàng đầu.
Bà Alison Pearce, tác giả phụ trách nghiên cứu, nêu rõ tác động kinh tế của căn bệnh ung thư đối với các nền kinh tế BRICS đang phát triển nhanh không chỉ cho thấy rõ cái giá đắt mà căn bệnh này gây ra đối với sinh mạng con người và tác động đối với nền kinh tế, mà còn nhấn mạnh “tính khẩn cấp của công tác phòng ngừa ung thư tại những nước này”. Các nước BRICS rõ ràng đang phải trả những giá đắt khi coi tăng trưởng kinh tế là ưu tiên bao trùm thời gian dài vừa qua.
Theo nghiên cứu trên, quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất và trong thời gian dài nhất là Trung Quốc đã phải chịu thiệt hại năng suất ở mức cao nhất trong nhóm BRICS do căn bệnh ung thư với 28 tỷ USD. Quốc gia đông dân nhất thế giới này bị ảnh hưởng đặc biệt bởi bệnh ung thư gan, với tình trạng phổ biến lây nhiễm virus viêm gan B.
Cùng với báo báo của WHO, những số liệu nghiên cứu cũng chỉ ra là Trung Quốc đã ghi nhận số ca ung thư tăng vọt trong thập kỷ qua, cao nhất là ung thư phổi, với tổng số 4,3 triệu người mắc ung thư mới trong năm 2015. Xu hướng sức khỏe đáng lo ngại này trùng khớp với các báo cáo về tình hình môi trường tại Trung Quốc.
Việc Trung Quốc ghi nhận mỗi năm có thêm gần 600.000 người mắc ung thư phổi mỗi năm, chiếm khoảng 36% tổng số ca ung thư phổi của cả thế giới, diễn ra khi ô nhiễm khói bụi tại các thành phố lớn như Thủ đô Bắc Kinh lên tới mức báo động, cao gấp 50 lần mức khuyến cáo của WHO. Tổ chức này cho rằng, nếu có các biện pháp cải thiện tình trạng ô nhiễm, Trung Quốc có thể ngăn ngừa 3 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
Trong khi đó, các nhân tố liên quan đến cách sống khi kinh tế phát triển là “thủ phạm” chính gây ung thư ở Nga, Nam Phi và Brazil, những quốc gia mà tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn, hút thuốc và số người béo phì gia tăng nhanh. Như riêng tại Ấn Độ, việc sử dụng thuốc lá nhai là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những ca chết trẻ do mắc bệnh ung thư miệng và vòm họng.
Trước cuộc “khủng hoảng” ung thư mà các nước BRICS đang phải đối mặt, báo cáo của WHO đã nhấn mạnh tới sự cần thiết phải có những chiến lược cụ thể cho cả công tác phòng ngừa lẫn điều trị cho những người mắc căn bệnh tử thần này. Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO, giảm thiểu ca mắc ung thư không chỉ tiết kiệm được chi phí và cứu được mạng sống của con người mà còn là đòn bẩy hiệu quả của sự phát triển kinh tế bền vững đối với BRICS.
Tác giả: Theo Hoàng Tuấn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn