Mặc dù Trung Quốc vẫn chiếm phần lớn trong số ca tử vong và nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19), song hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy virus này ngày càng lây lan nhanh ra các nước châu Á khác. Nỗi lo ngại về sự bùng phát của dịch corona đã len lỏi vào thị trường tài chính, khi các nhà đầu tư cân nhắc những tác động của dịch bệnh trong khu vực đối với tăng trưởng kinh tế và doanh thu.
"Số ca nhiễm bệnh tăng vọt tại các khu vực khác ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, đã thổi bùng những lo ngại mới. Điều này cho thấy một giai đoạn mới của dịch bệnh, giai đoạn tiếp tục chứng kiến sự gián đoạn và tác động nhiều hơn về kinh tế so với suy đoán trước đây", Khoon Goh, chuyên gia về nghiên cứu châu Á tại Singapore của tập đoàn tài chính Australia & New Zealand Banking Group, cho biết.
Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) bắt đầu bùng phát từ tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Tính đến nay, Trung Quốc đã xác nhận 2.345 người tử vong và 76.288 người bị nhiễm Covid-19.
Tính đến nay, dịch corona đã lan ra khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với ít nhất 11 trường hợp tử vong bên ngoài Trung Quốc đại lục. Mặc dù số ca tử vong và nhiễm virus Covid-19 bên ngoài Trung Quốc đại lục vẫn nhỏ, song thế giới đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số ca bệnh bên ngoài Trung Quốc trong tuần này.
Ổ dịch ngoài Trung Quốc
Ngoài khu vực Đông Á, trong tuần này, các ca bệnh mới đã được phát hiện tại Iran, Israel, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Li Băng, Italy. 4 người ở Iran, 1 người ở Italy đã thiệt mạng. Giới chức y tế cũng lo ngại về nguy cơ dịch bùng phát trong nội bộ từng nước.
“Các trường hợp mà chúng ta đã thấy không liên quan tới Trung Quốc rất đáng lo ngại. Cánh cửa cơ hội để ngăn dịch lây lan tại các nước bên ngoài Trung Quốc thực sự đang thu hẹp lại. Dịch có thể bùng phát theo bất kỳ hướng nào”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Thụy Sĩ ngày 21/2.
Tại Đông Á, Hàn Quốc đã chứng kiến số ca nhiễm virus Covid-19 tăng gấp đôi trong vòng 24 giờ, liên quan tới một ổ dịch “giáo phái” ở Daegu - thành phố lớn thứ 4 tại Hàn Quốc và cách thủ đô Seoul khoảng 350 km về phía đông nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm virus Covid-19 tại Hàn Quốc là 346 người. Các chuyên gia cảnh báo, số ca nhiễm bệnh ở Hàn Quốc có thể sẽ còn tăng mạnh khi có tới hơn 500 người từng tham gia buổi lễ tại nhà thờ Shincheonji ở Daegu - sự kiện được cho là “siêu lây nhiễm”.
Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung-hoo cho biết giới chức nước này đã nhận thức được các kênh lây nhiễm và khẳng định tình hình hiện tại "có thể kiểm soát được". Tuy vậy, thành phố Daegu vẫn đóng cửa các cơ sở công cộng và khuyến cáo người dân ở trong nhà để tránh dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, tình hình tại Nhật Bản thậm chí còn đáng báo động hơn khi nước này được xem là một trong những nơi có nguy cơ bùng phát dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato ngày 16/2 cho biết nước này đã mất dấu một số người nhiễm virus Covid-19.
Chính phủ Nhật Bản bị chỉ trích vì quá chậm chạp trong việc cấm du khách từ Trung Quốc nhập cảnh, đồng thời quá lỏng lẻo trong việc cách ly du thuyền Diamond Princess chở 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn.
Nhật Bản hiện có hơn 700 ca nhiễm Covid-19, trong đó hơn 600 ca là hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu Diamond Princess bị cách ly ở ngoài khơi Yokohama từ hồi đầu tháng. Ít nhất 2 hành khách trên du thuyền này đã thiệt mạng vì Covid-19.
Một số người cho rằng du thuyền Diamond Princess có thể trở thành ổ dịch khổng lồ khi có tới hơn 1.000 hành khách từ hơn 50 quốc gia đã rời khỏi tàu vào cuối ngày 21/2. Khi những hành khách này về nước, hành trình của họ có thể bùng phát làn sóng lây nhiễm toàn cầu. Ngày 21/2, 2 hành khách Australia được sơ tán khỏi tàu đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Covid-19.
“Hoàn toàn xảy ra khả năng bạn được xét nghiệm, có kết quả âm tính, rồi bạn lên máy bay và sau đó có kết quả dương tính khi hạ cánh. Đó là cách dịch bệnh lây lan”, Keiji Fukuda, cựu quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và hiện là giám đốc Trường Y tế Cộng đồng tại Đại học Hong Kong, nhận định.
Tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản được dự báo sẽ còn nghiêm trọng hơn khi xuất hiện các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cao, như dân số già và văn hóa làm việc không ngày nghỉ, kể cả khi bị ốm, của người lao động Nhật Bản. Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ đã nâng mức cảnh báo số 1 với Nhật Bản, khuyến cáo người dân cẩn trọng khi tới nước này.
Một số tiến triển
Tuy vậy, công tác chống dịch corona tại một số khu vực cũng đạt được những tiến triển nhất định.
Macau, trung tâm sòng bạc lớn nhất thế giới, vẫn chưa xác nhận bất kỳ trường hợp nào nhiễm virus Covid-19 trong hơn 2 tuần qua, khi các sòng bạc đóng cửa và việc đi lại tới Trung Quốc đại lục bị hạn chế.
Mặc dù Singapore có hơn 80 ca nhiễm Covid-19, nhưng tỷ lệ các ca nhiễm mới vẫn ổn định và đã có 37 bệnh nhân được hồi phục.
Hong Kong cũng chưa ghi nhận sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi sau khi một cảnh sát tại đặc khu bị phát hiện nhiễm bệnh. Sĩ quan này đã dùng bữa cùng 59 cảnh sát khác và tất cả đều đang bị cách ly.
Triều Tiên, nước láng giềng với Trung Quốc và Hàn Quốc, cho đến nay vẫn chưa báo cáo bất kỳ trường hợp nào nhiễm virus Covid-19. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại châu Phi cũng không có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại.
Tổng giám đốc WHO ngày 20/2 nói rằng thế giới vẫn có cơ hội kiểm soát dịch corona vì số lượng người nhiễm bên ngoài Trung Quốc vẫn tương đối thấp. Tuy nhiên, nếu các nước không đủ kiên quyết trong việc ngăn chặn dịch bệnh, một đợt bùng phát mới hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Thành Đạt
Theo Bloomberg
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn