Người phụ nữ Mỹ 20 năm trồng “cây hòa bình” trên vùng đất bom đạn của Việt Nam

Thứ năm - 29/08/2019 13:17
(Dân trí) - Bà Jerilyn Brusseau, người sáng lập một tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên hỗ trợ hoạt động rà phá bom mìn và trồng cây xanh trên những mảnh đất từng bị tổn thương bởi chiến tranh, đã vinh dự nhận được Huân chương Hữu nghị của Việt Nam cho hành trình hơn 20 năm xoa dịu nỗi đau chiến tranh ở quốc gia Đông Nam Á. >> >>
Người phụ nữ Mỹ 20 năm trồng “cây hòa bình” trên vùng đất bom đạn của Việt Nam

Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, trao Huân chương Hữu nghị cho bà Jerilyn Brusseau (Ảnh: Đức Hoàng)

Ngày 29/8, bà Brusseau đã nhận được Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong một buổi lễ vinh danh trang trọng có sự góp mặt của Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt NamĐại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink cùng đại diện các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của 2 nước Việt Nam và Mỹ.

Huân chương Hữu nghị là phần thưởng cao quý nhất của Việt Nam dành cho cá nhân hoặc tập thể người nước ngoài có những đóng góp to lớn trong xây dựng, củng cố và phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Bà Brusseau thành lập tổ chức PeaceTrees Việt Nam (Cây hòa bình) vào năm 1995 và bắt đầu những hoạt động đầu tiên tại Quảng Trị, nơi bị tàn phá nặng nề bởi tàn dư bom mìn từ cuộc chiến tranh. PeaceTrees chính là tổ chức phi chính phủ đầu tiên của Mỹ được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm và phá hủy bom mìn, vật liệu nổ tại Việt Nam.

Trong 20 năm qua, PeaceTrees - thông qua các dự án và chương trình nhân đạo - đã góp phần giảm bớt những nguy cơ liên quan tới tai nạn bom mìn, tạo ra những vùng đất an toàn cho người dân địa phương sinh sống và canh tác. PeaceTrees Việt Nam hiện có 6 đội hoạt động với nhiệm vụ thu gom lưu động và rà hiện trường tại Quảng Trị.

Họ đã rà qua 480 héc-ta, phá hủy hơn 112.000 vật liệu nổ. Điều đặc biệt là sau khi phá hủy xong bom mìn, PeaceTrees luôn trồng những cây xanh trên các mảnh đất từng tổn thương bởi chiến tranh.

Ngoài ra, PeaceTrees còn tham gia vào các hoạt động phát triển cộng đồng, hỗ trợ y tế, phát triển kinh tế, xây giếng nước sạch, các công trình cho người dân. Tổ chức của Mỹ cũng hỗ trợ hơn 2.000 suất học bổng cho các em học sinh bị tai nạn bom mìn để các em tiếp tục đến trường.

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đã đại diện chính phủ Việt Nam trao cho bà Brusseau tấm huân chương cao quý. Bà Nga nhấn mạnh rằng trong suốt 20 năm qua, bà Brusseau đã nỗ lực đồng hành cùng Việt Nam trong việc giải quyết những tàn dư của chiến tranh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng nghìn người dân Việt Nam. Việt Nam đánh giá cao thành tựu của bà Brusseau trong việc xây dựng, củng cố niềm tin, tình hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Mỹ.

Nỗi đau mang tên chiến tranh

Cơ duyên khiến bà Brusseau thành lập nên PeaceTrees Việt Nam chính là câu chuyện xuất phát từ chính cuộc đời bà. “Tháng 1/1969, gia đình tôi đối mặt với một trải nghiệm thay đổi hoàn toàn cuộc đời chúng tôi. Em trai tôi, một cựu phi công Mỹ, đã thiệt mạng khi tham chiến tại Việt Nam”, bà Brusseau xúc động kể lại, cho biết rằng gia đình bà rất đau khổ khi nghe tin người con trai, em trai thân yêu đã tử trận.

Với bà Brusseau, chiến tranh đồng nghĩa với nỗi đau, không chỉ của gia đình bà, mà còn là nỗi đau của gia đình hàng chục nghìn người lính Mỹ thiệt mạng, hàng triệu gia đình Việt Nam có chồng, con hy sinh hay chết trong cuộc chiến khốc liệt.

Trải nghiệm đau thương đã thôi thúc gia đình bà Brusseau hành động. Năm 1995, bà bắt đầu các chuyến thăm Việt Nam. Khi chứng kiến hậu quả thảm khốc của chiến tranh tại nơi đây, bà và gia đình đã quyết tâm làm một điều gì đó để có thể xoa dịu nỗi đau thương mất mát và hướng tới tương lai, cũng như xây dựng niềm tin, hợp tác giữa 2 quốc gia sau 20 năm chiến tranh khép lại.

Sau khi đích thân đi tàu tới Quảng Trị và quan sát thấy người dân nơi đây đang phải đối mặt với tình trạng bom mìn tàn dư, chưa phát nổ có thể giết chết họ bất cứ lúc nào, bà Brusseau đã quyết tâm: “Từ tháng 1/1996, tôi cam kết rằng mình sẽ hợp tác, bắt tay với người Việt Nam mỗi ngày để khắc phục tàn dư chiến tranh”.

Bà Brusseau cho biết bà đã nhận được sự ủng hộ to lớn từ chính quyền Việt Nam dù vào thời điểm đó 2 nước mới vừa bắt đầu bình thường hóa quan hệ trở lại. Điều này đã thôi thúc bà cùng PeaceTrees nỗ lực nhiều hơn nữa trong công cuộc hàn gắn những mảnh đất tổn thương bởi bom đạn và chiến tranh. PeaceTrees bắt đầu tuyển các tình nguyện viên, chuyên gia thực hiện hàng loạt các dự án hỗ trợ cho người dân Việt Nam từ đó tới nay.

“Phép màu” trong quan hệ Việt - Mỹ

Người phụ nữ Mỹ 20 năm trồng “cây hòa bình” trên vùng đất bom đạn của Việt Nam - Ảnh minh hoạ 2

Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink (Ảnh: Đức Hoàng)

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Kritenbrink cho rằng việc Việt Nam và Mỹ hồi phục và phát triển quan hệ ngoại giao từ sau quá khứ đau thương là “một điều phi thường”, “một phép màu” nhưng điều đó không phải xảy ra một cách ngẫu nhiên mà đó là một quá trình nỗ lực của 2 bên với sự chân thành, tin tưởng và thiện chí. Ông cho rằng bà Brusseau chính là một trong những con người đã góp phần làm nên điều kỳ diệu đó.

“Công việc của tôi chính là tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và quốc gia tuyệt vời cũng những con người dễ mến (của Việt Nam)”, ông Kritenbrink khẳng định.

Đại sứ Mỹ cũng nhắc lại chuyến đi đáng nhớ của ông tới Nghĩa trang Trường Sơn và tỉnh Quảng Trị trong tuần này, nơi ông đã tham gia phá hủy bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Ông chia sẻ rằng đây là một trải nghiệm khá “đáng sợ” nhưng thực sự “ấn tượng”.

Chính vì vậy, ông đánh giá cao nỗ lực của bà Bruseau, PeaceTrees và cả Việt Nam và Mỹ trong hành trình khắc phục tàn dư chiến tranh, góp phần khép lại quá khứ đau thương, hướng tới tương lai tươi sáng của tình hữu nghị và sự phát triển.

Đức Hoàng

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây