Dư luận Philippines đòi Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết Biển Đông

Thứ sáu - 30/08/2019 10:16
Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục nói rằng Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài về vấn đề Biển Đông. >> >> >>

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines hôm 30/8 cho biết, phía Trung Quốc đã thông báo với Tổng thống Duterte, người đang có chuyến thăm Bắc Kinh rằng, quan điểm của nước này về vấn đề Biển Đông không thể đưa ra đàm phán.

Dư luận Philippines đòi Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết Biển Đông

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong một cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Duterte. Ảnh: AFP.

Trung Quốc từng nhiều lần bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 về Biển Đông, đồng thời cho rằng phán quyết này không có cơ sở pháp lý. Hiện tại, Tổng thống Duterte đang chịu sức ép từ trong nước về việc hối thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết, đặc biệt sau vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Philippines trên Biển Đông vào tháng 6/2019.   

Trong cuộc gặp Tổng thống Duterte hôm 29/8, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn nêu quan điểm của Trung Quốc không công nhận phán quyết của tòa trọng tài cũng như “không thay đổi lập trường của nước này”, người phát ngôn của Tổng thống Duterte cho biết.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh hai nước nên “gạt bỏ những tranh chấp, loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài đối với vấn đề Biển Đông” và “tạo ra bước tiến hơn hơn trong hoạt động chung về thăm dò dầu mỏ, khí đốt trên biển”.

Việc nêu phán quyết Biển Đông trong cuộc gặp này đánh dấu sự thay đổi lập trường của Tổng thống Duterte, người đã khôi phục lại quan hệ ngoại giao từng bị đóng băng giữa Philippines với Trung Quốc sau khi ông lên nắm quyền vào năm 2016. Trước đó ông Duterte từng “ngó lơ” phán quyết của Tòa trọng tài và ủng hộ quan hệ thương mại, đầu tư với Trung Quốc.

Ngay trước chuyến đi này của ông Duterte, giáo sư Renato de Castro - Đại học De La Salle ở Philippines - đã nhận định: "Tại thời điểm hiện tại, ông Duterte không còn gì để mất vì ông chỉ còn 3 năm trong nhiệm kỳ. Ông có thể sẽ nêu vấn đề Biển Đông dù ông Tập về cơ bản sẽ phớt lờ hoặc bác bỏ. Đó là một trò kinh điển rồi!".

Sức ép lớn đối với ông Duterte

Nhiều nghị sỹ đảng cánh tả Bayan Muna của Philippines ngày 30/8 cho biết, Tổng thống Duterte nên đề nghị Trung Quốc dỡ bỏ các cơ sở quân sự mà nước này xây dựng phi pháp trên Biển Đông. Ông Neri Colmenares – lãnh đạo đảng Bayan Muna  và nghị sỹ Carlos Zarate chỉ rõ, yêu cầu trên nên được đề cập cùng với phán quyết của Tòa trọng tài, theo đó bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông và tuyên bố khẳng định quyền của Philippines với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Ông Neri Colmenares nhấn mạnh, Tổng thống Duterte lẽ ra nên đề cập phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông chứ không nên để sau 3 năm, cho tới chuyến thăm lần thứ 5 này.

“Ông Duterte nên yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các cơ sở quân sự nước này xây dựng phi pháp tại các bãi san hô trên Biển Đông vào năm 2018, vốn vi phạm phán quyết của Tòa trọng tài. Nếu ông Duterte đề cập phán quyết trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông ấy, Bắc Kinh sẽ không thể thực hiện điều đó”, nghị sỹ Colmenares nhận định.

Ông Colmenares  cho biết thêm: “Tổng thống Duterte nên yêu cầu phi quân sự hóa hoàn toàn biển Đông để phá dỡ các căn cứ quân sự của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc từ chối, chúng ta có thể đệ trình một nghị quyết lên Đại hội Đồng Liên Hợp Quốc, yêu cầu Liên Hợp Quốc can thiệp và giám sát quá trình phi quân sự hóa tại các khu vực tranh chấp”.

Trong khi đó, nghị sỹ Carlos Zarate nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Tổng thống Duterte cam kết tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, mà ông cho là cơ sở để một số người bỏ phiếu ủng hộ ông Duterte trở thành Tổng thống năm 2016.

Theo Hồng Anh

VOV

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây