Sputnik đưa tin, người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu Nga Andrei Sterlin đã phát đi một thông báo cáo buộc Mỹ đang tìm cách sử dụng không gian như là mặt trận chiến tranh mới.
“Lầu Năm Góc đang cân nhắc biến không gian thành chiến trường thực hiện hoạt động quân sự và yêu cầu duy trì quyền tự do hoạt động hoàn toàn tại khu vực này”, ông Sterlin nói.
“Về lĩnh vực này, Mỹ đã từ chối tổ chức các cuộc đối thoại với Nga và Trung Quốc về dự thảo hiệp ước nhằm ngăn chặn việc đặt vũ khí lên không gian và thiết lập một khung pháp lý quốc tế nhằm hạn chế việc sử dụng không gian cho mục đích quân sự”, quan chức Nga nhấn mạnh.
Ngày 10/7, cố vấn NASA William Gerstenmaier nhấn mạnh lại cam kết của tổ chức này về việc hợp tác với Nga trong chương trình Trạm vũ trụ quốc tế ISS bất chấp căng thẳng chính trị giữa 2 nước vào thời điểm hiện tại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 2 đã ký lệnh thành lập lực lượng không gian Mỹ với các mục tiêu giám sát toàn cầu, định hướng tên lửa, và đối phó với mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh của Nga và Trung Quốc.
Nga đã lên án động thái này, kêu gọi Mỹ ngừng việc tạo nên một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian. Trung Quốc đồng tình với quan điểm của Nga, nhấn mạnh rằng Washington muốn duy trì vị trí dẫn đầu trong không gian bằng việc thực hiện động thái trên.
Nga đã nhiều lần kêu gọi các bên không biến vũ trụ trở thành một mặt trận đối đầu vũ trang mới.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu tăng tốc chương trình đưa phi hành gia Mỹ trở lại mặt Trăng, đặt năm 2024 là thời hạn chót. Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin khi đó tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của nhiệm vụ trở lại mặt Trăng của Mỹ. Quan chức này cho rằng đây có thể chỉ là “vỏ bọc” cho các “nhiệm vụ không công bố”, bao gồm cả việc thử công nghệ quân sự mới.
Trung tướng Viktor Poznikhir, phó cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, ngày 24/4 cảnh báo về viễn cảnh Mỹ có thể đang lên kế hoạch tấn công phủ đầu kho vũ khí hạt nhân của Nga và Trung Quốc.
Ông Poznikhir đề cập tới việc Mỹ đang khởi động lại chương trình vũ khí không gian“Chiến tranh giữa các vì sao” có từ thời Chiến tranh Lạnh cũng như số lượng ngày càng nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa mà Washington đặt tại châu Âu là các bằng chứng cho nhận định trên.
Đức Hoàng
Theo Sputnik
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn