Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trương Quân, được một số quan chức Nhà Trắng xem là nhân vật có lập trường cứng rắn, bất ngờ đóng vai trò quan trọng sau khi Bắc Kinh và Washington đồng ý tiếp tục đàm phán thương mại.
Ông Trương cùng với Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã tham gia cuộc điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer của Mỹ hôm 10-7, qua đó nối lại cuộc thương thảo bị đình trệ từ tháng 5.
Trước ông Trương, phái đoàn đàm phán Trung Quốc hồi tháng 4 tiếp nhận ông Yu Jianhua, một trong những nhà đàm phán thương mại dày dạn kinh nghiệm nhất.
Ông Lưu Hạc là người đứng đầu phái đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc trong hơn 1 năm qua.
Theo một số nhà phân tích, vai trò mới của ông Trương có thể cho thấy Bắc Kinh đang mất niềm tin vào ông Lưu và muốn bổ sung một người rành rẽ chính trị hơn.
"Tôi tin là ông Trương được yêu cầu phải cứng rắn hơn với Mỹ" - ông Dennis Wilder, cựu chuyên gia phân tích về Trung Quốc tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, nhận định.
Tương tự, ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở ở Mỹ) dự báo ông Trương sẽ quyết liệt bảo vệ lợi ích thương mại của đất nước.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng giới chức Mỹ đang phản ứng quá mức với sự xuất hiện của ông Trương trong phái đoàn đàm phán Trung Quốc.
Ông Clete Willems, chuyên gia của Công ty luật Akin Gump, cho rằng Trung Quốc cũng có cả "diều hâu" và "bồ câu" như phía Mỹ và Bắc Kinh cần phải đưa cả 2 phe vào trong nhóm đàm phán nếu muốn có thỏa thuận.
Trong nỗ lực khôi phục đàm phán, ông Trump đã đồng ý hoãn đánh thuế lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và cho phép Tập đoàn Huawei tiếp tục mua chip máy tính Mỹ khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại TP Osaka - Nhật Bản gần đây.
Trước thềm cuộc điện đàm nói trên, ông chủ Nhà Trắng muốn nhóm đàm phán Mỹ bảo đảm Trung Quốc mua thêm đậu nành Mỹ như lời hứa mà ông cho là Bắc Kinh đã đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Osaka.
Tuy nhiên, cả hai ông Lưu và Trương không đưa ra cam kết cụ thể nào, khiến đàm phán gần như dậm chân tại chỗ, theo một quan chức Nhà Trắng giấu tên.
Ngoài ra, hai bên cũng chưa đạt thỏa thuận về thời điểm phái đoàn Mỹ đến Bắc Kinh để tiến hành vòng đàm phán tiếp theo.
Ông Craig Allen, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung nhận định các tuyên bố của Washington liên quan đến sự thay đổi của ông Trump đối với Huawei đang làm doanh nghiệp Mỹ bối rối. Ông cũng lo lắng về nguy cơ niềm tin giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng bị xói mòn.
Vòng đàm phán sắp tới, nếu được nối lại, cũng sẽ phải đối mặt những vấn đề từng khiến tiến trình này sụp đổ hồi tháng 5.
Mỹ hiện đòi hỏi Trung Quốc cam kết đưa vào luật những nội dung nhằm giải tỏa nỗi lo của Washington về vấn đề ăn cắp tài sản trí tuệ và buộc chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, hai bên còn không tìm được tiếng nói chung về chuyện Bắc Kinh muốn Washington dỡ bỏ toàn bộ thuế áp lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào năm ngoái.
Theo một số nhà phân tích, Trung Quốc có thể sẵn sàng chờ đợi kịch bản ông Trump rời Nhà Trắng sau cuộc bầu cử năm 2020, một phần vì kinh tế đất nước đã ổn định nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ.
Một lý do khác là Bắc Kinh không còn quá tin vào khả năng đạt thỏa thuận với Washington bởi sự đổi ý thường xuyên của ông Trump liên quan đến mối đe dọa thuế quan nhằm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. "Trung Quốc không còn quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận lớn với ông Trump" - ông Kennedy nhận định.
Theo P.Võ
Người lao động
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn