Từ trái sang: Đại sứ Mỹ Richard Verma cùng với hai quan chức của Arunachal Pradesh - Ảnh: Twitter |
Ngày 24-10, theo Reuters, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo Mỹ về việc để cho đại sứ của mình ở Ấn Độ đến thăm một dải đất tranh chấp ở biên giới Ấn Độ-Trung Quốc. Phía Bắc Kinh cho rằng sự can thiệp của bên thứ ba sẽ chỉ làm phức tạp thêm các tranh chấp giữa Bắc Kinh và New Delhi.
Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) cho biết Trung Quốc đã "cương quyết phản đối" các hành động của nhà ngoại giao Mỹ, mà ông bình luận là sẽ "làm tổn hại sự hòa bình và yên bình vốn khó đạt được ở khu vực biên giới Trung-Ấn".
"Bất kỳ bên thứ ba hành xử có trách nhiệm nào cũng nên tôn trọng những nỗ lực của Trung Quốc và Ấn Độ trong việc tìm kiếm hòa bình và ổn định, chứ không phải là ngược lại", ông Lục cảnh báo.
Vào hôm 21-10, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, ông Richard Verma đã tải hình ảnh lên tài khoản Twitter của mình cho thấy chuyến đi gần đây tới Arunachal Pradesh để dự lễ hội Tawang, kèm theo lời cảm ơn các quan chức Ấn Độ về "lòng hiếu khách" và mô tả khu vực này là một "nơi huyền diệu".
Hành động đó bị Bắc Kinh cho là muốn can thiệp vào khu vực. Người phát ngôn họ Lục kêu gọi: "Chúng tôi mong muốn Mỹ ngừng tham gia vào các tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc-Ấn Độ và làm nhiều hơn nữa để mang lại lợi ích hòa bình và yên bình cho khu vực này".
Ông Lục nói thêm rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã xử lý được vấn đề này một cách phù hợp thông qua các cuộc đàm phán.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ mô tả chuyến thăm của đại sứ Verma là "không có gì bất thường".
"Đại sứ Mỹ thăm Arunachal Pradesh, phần đất đã được công nhận của Ấn Độ", ông Vikas Swarup, người phát ngôn Bộ ngoại giao Ấn Độ đáp trả các tuyên bố từ Trung Quốc.
Đại sứ quán Mỹ tại New Delhi không đưa ra bình luận gì sau phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trung Quốc có tranh chấp với Ấn Độ vùng đất rộng hơn 90.000 km vuông ở khu vực phía đông của dãy Himalaya. Phần lớn diện tích này Ấn Độ cho là thuộc bang Arunachal Pradesh, trong khi Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng.
Sự bất đồng giữa hai cường quốc Trung Quốc và Ấn Độ trên các phần của biên giới dài 3.500 km giữa hai nước đã dẫn đến một cuộc chiến ngắn vào năm 1962. Hai nước sau đó chuyển sang hình thức kiểm soát các tranh chấp, nhưng các vòng đàm phán sau đó đều đã thất bại.
Ấn Độ cho rằng Trung Quốc chiếm 38.000 km vuông lãnh thổ của mình trên cao nguyên Aksai Chin ở phía tây, và cũng là nghi ngờ Trung Quốc ủng hộ đối thủ Pakistan.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn