“Việc Trung Quốc leo thang nỗ lực cản trở các nước khác phát triển nguồn tài nguyên ở Biển Đông là điều rất đáng quan ngại. Mỹ sẽ kiên quyết đồng hành với các nước phản đối hành vi cưỡng chế và chiến thuật bắt nạt (của Trung Quốc), động thái gây đe dọa tới hòa bình và an ninh khu vực”, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton viết trên Twitter.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý cũng như cái gọi là “đường chín đoạn” tại Biển Đông. Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế tại La Hay, Hà Lan năm 2016 đã phán quyết những động thái này của Trung Quốc là không hợp lệ, thiếu căn cứ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã từ chối thừa nhận tuyên bố của tòa quốc tế và tiếp tục thực hiện các hành vi bồi đắp và quân sự hóa phi pháp tại khu vực.
Các quan chức ngoại giao, quân sự Mỹ đã đưa ra cam kết rằng Washington sẽ duy trì hoạt động tuần tra để duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không trên vùng biển quốc tế theo đúng quy tắc. Động thái này nhằm đảm bảo các tuyến giao thông quốc tế tại khu vực Biển Đông và Ấn Độ - Thái Bình Dương luôn mở cửa cho máy bay và tàu thuyền di chuyển.
Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã đưa ra một loạt bằng chứng để chứng minh rằng Trung Quốc đang gây bất ổn cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo ông Esper, các động thái của Trung Quốc bao gồm “vũ khí hóa các tài nguyên chung toàn cầu, sử dụng chiêu bài kinh tế và bẫy nợ để đánh đổi các thỏa thuận chủ quyền, thúc đẩy hành vi đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của các nước khác”.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên án hành vi “cưỡng ép” của Trung Quốc trên Biển Đông. Vào tháng 7, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel ngày phát đi tuyên bố chỉ trích các hành động hung hăng của Trung Quốc tại khu vực là ví dụ đáng lo ngại về cái gọi là một quốc gia công khai phớt lờ luật pháp quốc tế.
Đức Hoàng
Tổng hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn