Theo BBC, ngày 31/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã công bố lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Theo đó, toàn bộ người Mỹ và công ty Mỹ bị cấm làm ăn kinh doanh với nhà lãnh đạo Venezuela. Ngoài ra, Mỹ cũng tiến hành phong tỏa với toàn bộ tài sản của ông Maduro.
Đây là động thái của Mỹ sau khi cuộc bầu cử quốc hội lập hiến diễn ra trong bạo lực hôm 30/7 vừa qua bị cáo buộc là không hợp lệ.
Ông Mnuchin nói: “Cuộc bầu cử bất hợp pháp đã chứng tỏ rằng ông Maduro đã phớt lờ mong muốn chính đáng của người dân Venezuela. Bằng việc trừng phạt ông Maduro, Mỹ củng cố quan điểm chống lại các chính sách đưa ra bởi chế độ của ông ấy".
Ông Maduro đã lập tức lên tiếng phản bác lập luận và lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông khẳng định đây là cuộc bỏ phiếu có tính cách mạng. Ông cũng đồng thời tuyên bố không sợ hãi trước lệnh trừng phạt của “các đế chế”.
“Tổng thống Donald Trump đã quyết định chống lại tôi. Tôi không tuân theo mệnh lệnh của bất kỳ chính phủ nước ngoài nào và sẽ không bao giờ làm vậy. Vì vậy, hãy cứ trừng phạt tôi, nhưng người dân Venezuela đã quyết định muốn tự do và tôi là Tổng thống độc lập của một quốc gia tự do”, ông Maduro phát biểu trên sóng truyền hình hôm 31/7.
Quốc hội lập hiến mới của Venezuela có quyền viết lại hiến pháp và giải tán quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Liên minh đối lập đã phản đối và từ chối công nhận kết quả cuộc bầu cử, cho rằng 88% cử tri đã bỏ phiếu trắng. Theo các quan chức bầu cử, có 41,5% cử tri đã đi bầu quốc hội mới.
Về phía quốc tế, EU đã bày tỏ “sự quan tâm về vận mệnh nền dân chủ của Venezuela” và hoài nghi về việc liên minh này có thể chấp nhận kết quả hay không. Trong khi đó, Nga, Cuba, Nicaragua và Bolivia bày tỏ sự ủng hộ với ông Maduro.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn