Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đã đăng bài bình luận mô tả cái bắt tay của Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại cuộc gặp lịch sử ở Singapore hồi tháng 6 là “sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ”. Tuy vậy, bài xã luận cũng cho rằng những tiến triển đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có nguy cơ trở thành “nạn nhân” của phe đối lập chính trị tại Mỹ.
Trước đó, chính Tổng thống Trump từng đề cập tới các thách thức nội bộ của Mỹ và cho rằng đây là nguyên nhân cản trở những nỗ lực của ông trong việc đạt được hòa bình với Triều Tiên. Theo giới chuyên gia, bài viết trên Rodong Sinmun cũng nhằm mục đích “lôi kéo” Tổng thống Trump khi đưa ra nhận định trùng với quan điểm nhà lãnh đạo Mỹ, trong khi không hề đề cập tới sự thiếu thiện chí của Triều Tiên trong tiến trình phi hạt nhân hóa.
Bài viết trên Rodong Sinmun đã ca ngợi “giấc mơ của Tổng thống Mỹ về việc cải thiện mối quan hệ Mỹ - Triều cũng như hòa bình thế giới”, đồng thời gọi đây là “sự nghiệp vĩ đại”. Bài viết cũng mô tả cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un là sự kiện mà “chưa tổng thống nào trong lịch sử Mỹ thực hiện được”.
Cũng theo Rodong Sinmun, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nên “kiên quyết đập tan các luận điệu ngớ ngẩn và vô lý của phe đối lập” khi cho rằng Triều Tiên đang tiếp tục phát triển các cơ sở hạt nhân bí mật. Thay vào đó, truyền thông Triều Tiên khuyên ông Pompeo nên “hiện thực hóa mong muốn của tổng thống”.
Naoko Aoki, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế ở Maryland, Mỹ cho rằng chính quyền Triều Tiên đã “lợi dụng” chính những xung đột trong hệ thống chính trị nội bộ của Mỹ kể từ những năm 1990 khi Quốc hội Mỹ phản đối một thỏa thuận được thảo luận giữa các quan chức Mỹ và Triều Tiên. Theo bà Aoki, bài viết trên Rodong Sinmun là cách để Triều Tiên xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi cho nước này, “bằng cách lôi kéo Tổng thống Trump”.
“Bài bình luận đã cho thấy những gì mà giới quan sát Triều Tiên đang theo dõi. Chính quyền Triều Tiên hiểu rất rõ về hoạt động của chính trị nội bộ cũng như quá trình ra chính sách đối ngoại của Mỹ, và họ đã sử dụng chính điều đó để làm lợi thế trong việc đạt được đòn bẩy cũng như gây sức ép nhượng bộ trong các cuộc đàm phán”, Tiến sĩ Hoo Chiew-Ping, giảng viên cấp cao về Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Quốc gia Malaysia, nhận định.
“Ông Trump có thể dễ dàng (bị Triều Tiên) lôi kéo vì bản thân ông thích những lời khen ngợi hào nhoáng dành cho mình, điều này dẫn đến việc chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ bị chệch hướng khỏi các nguyên tắc và quy chuẩn mà phương Tây thường coi trọng như dân chủ, nhân quyền”, chuyên gia Hoo cho biết thêm.
Tại Singapore, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhất trí hợp tác để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đổi lại ông Trump nói rằng sẽ hạn chế sự tham gia của Mỹ vào các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Tuy vậy, từ đó đến nay, giới tình báo Mỹ cảnh báo rằng Triều Tiên dường như vẫn đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất nguyên liệu hạt nhân tại các cơ sở vũ khí quan trọng của nước này.
“Vấn đề ở đây là vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để thực thi các mục tiêu mơ hồ về việc phi hạt nhân hóa cũng như cải thiện quan hệ từng được đưa ra trong tuyên bố chung tại Singapore”, chuyên gia Aoki nhận định.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn