Vài tháng trước, Mỹ đã bắt đầu chuyển cho Ukraine hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS - vũ khí mà phương Tây và Kiev đã mệnh danh là giúp thay đổi cuộc chơi.
Nga, cường quốc quân sự, với kho khí tài đa dạng có khả năng đánh chặn những quả rocket HIMARS dẫn đường bằng GPS. Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua, Nga vẫn chưa tìm được cách hóa giải hoàn toàn mối đe dọa của HIMARS với các mục tiêu quan trọng của Moscow như kho đạn, trạm chỉ huy, tuyến đường tiếp tế.
Chuyên trang quân sự Nga Avia pro đã nhận định, rocket của HIMARS dường như có tính năng đặc biệt có thể ngăn pháo của Moscow bắn vào các tổ hợp trên.
Về mặt lý thuyết, các tổ hợp pháo và rocket phóng loạt của Nga có khả năng truy vết bệ phóng của HIMARS bằng radar phản pháo. Cơ chế này được kích hoạt khi HIMARS tấn công, radar phản pháo Nga sẽ dò ra vị trí của bệ phóng Ukraine và truyền thông tin về cho lực lượng pháo binh Moscow bắn hỏa lực đáp trả ngay lập tức.
Avia pro cho rằng, rocket của HIMARS có thể thay đổi đường bay và đánh lừa radar phản pháo của Nga, khiến việc Nga tấn công đáp trả vào các bệ phóng của Ukraine trở nên thách thức hơn.
"Các đoạn video do Ukraine đăng tải cho thấy, rocket HIMARS thay đổi quỹ đạo ngay lập tức sau khi bay. Rocket HIMARS khác biệt đáng kể so với các rocket phóng loạt thông thường của Mỹ - với hỏa lực bay dọc theo quỹ đạo đạn đạo", chuyên trang nhận định.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự lại có góc nhìn khác về vấn đề trên. Samuel Cranny-Evans, một chuyên gia về tác chiến trên bộ tại Viện RUSI (Anh), nhận định công nghệ phản pháo của Nga dường như chưa được hiệu quả trên chiến trường ở Ukraine.
Ví dụ, radar phản pháo Zoopark-1 của Nga có thể phát hiện rocket ở tầm xa 14,4-20,9km, trong khi rocket của HIMARS có tầm tấn công 80km.
"Radar phản pháo cần phải dò được rocket ngay khi nó được phóng đi để đoán được đường bay của hỏa lực nhằm tính toán ra vị trí của bệ phóng một cách chính xác. Vì vậy, nếu radar không dò được tên lửa từ thời điểm nó được phóng đi vì nó chưa có tầm hoạt động đủ bao quát, radar khó có thể đưa ra phương án phản pháo hợp lý", ông Cranny-Evans giải thích.
Ngoài ra, radar phản pháo có khả năng phát hiện các quả rocket đi qua một khu vực nhất định ở một độ cao nhất định, nên nếu hỏa lực bay ngoài tầm thông số thì rất khó để nắm bắt đường đi của quả đạn.
Ông Cranny-Evans đặt ra giả thuyết Nga có thể không có đủ radar phản pháo trên khắp chiến trường để có thể bao quát liên tục đường bay của HIMARS trong quãng đường dài tối đa 80km, nên khả năng theo dõi hỏa lực của họ dường như bị hạn chế.
Ngoài ra, HIMARS là hệ thống đặt trên xe tải nên nó thường áp dụng chiến lược "bắn rồi chạy", để tránh bị đối phương phản pháo. Để đối phó với chiến lược này, các radar phản pháo của Nga cần hoạt động nhanh để truyền tin cho hỏa lực bắn đáp trả trong vài phút trước khi xe chở HIMARS rời vị trí tấn công ban đầu. Quá trình này nếu bị chậm trễ có thể ảnh hưởng tới khả năng phản đòn của Nga.
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn