Theo SCMP, phiên tòa đặc biệt tại Đức đã thu hút sự chú ý của dư luận khi nó được tiến hành bởi các nhà hoạt động vì quyền động vật, nhưng tên nguyên đơn lại là những chú lợn con.
Phía đâm đơn kiện cho rằng quá trình triệt sản lợn con không dùng thuốc mê gây đau đớn cho những con vật. Tại châu Âu, Thụy Điển, Na Uy và Thụy Sĩ đã cấm phương pháp này.
Những người nông dân ở Đức cho biết việc triệt sản lợn được vài ngày sau khi sinh là cần thiết để ngăn chặn mùi hôi của thịt thường xuất hiện ở những con lợn đực qua tuổi dậy thì.
Năm 2013, quốc hội Đức đã quyết định rằng phương pháp triệt sản không dùng thuốc giảm đau là phạm pháp và cho các nông dân khoảng thời gian 5 năm chuyển đổi để họ có thể thực thi các phương pháp thay thế. Tuy nhiên, năm ngoái, khi khoảng thời gian trên đã kết thúc, thời điểm để thực hiện lệnh cấm tiếp tục được gia hạn tới năm 2021.
Chính vì vậy, tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật PETA đã dùng những chú lợn làm nguyên đơn, để nộp đơn lên tòa Hiến pháp Đức hồi tháng trước.
Tổ chức này muốn các thẩm phán phải thừa nhận rằng lợn cũng có những quyền tương tự như quyền con người và hành động triệt sản không gây mê là “độc ác”.
PETA nói rằng theo luật Đức, động vật không thể bị làm hại mà không có lời giải đáp hợp lý. Tổ chức này nói rằng việc triệt sản lợn dù có gây mê hay không đều được coi là vi phạm rõ ràng luật trên và điều này đã buộc những con lợn không còn lựa chọn nào khác là phải kiện lên tòa án để đòi hỏi quyền lợi, thông báo của PETA nói.
Mấu chốt của vụ kiện là việc PETA cho rằng ở Đức, tất cả mọi sinh vật sống đều có thể nộp đơn lên tòa hiến pháp nếu họ tin rằng quyền lợi cơ bản của họ đang bị xâm phạm, kể cả lợn. Tuy nhiên, giáo sư luật trường Mannheim Jens Buelte không đồng tình với quan điểm này, quan ngại rằng thẩm phán tại tòa án ở Karlsruhe sẽ không nghĩ như PETA.
“Động vật không có quyền riêng theo luật của Đức”, ông Buelte nói, nhấn mạnh vụ kiện “có ít cơ hội chiến thắng”.
Đây không phải là lần đầu tiên PETA thay mặt động vật nộp đơn kiện. Năm 2015, tổ chức này từng kiện lên tòa án Mỹ đòi tiền bản quyền cho một con khỉ Macaca. Con khỉ này đã chụp ảnh tự sướng bằng máy ảnh của một nhiếp ảnh gia và bức ảnh đã lan truyền trên mạng xã hội rầm rộ. Tuy nhiên, phía tòa án đã phán quyết rằng động vật không thể thực hiện các vụ kiện liên quan tới bản quyền.
Hồi năm 2016, một thẩm phán ở Argentina đã thả tự do cho con tinh tinh Cecilia sau khi các nhà vận động giúp nó nộp đơn kiện để được quay về với môi trường tự nhiên và thoát khỏi chuồng nhốt.
Đức Hoàng
Theo SCMP
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn