Sputnik dẫn báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) cho biết lá chắn tên lửa Aegis Ashore của Mỹ ở Đông Âu mới chỉ hoạt động một phần vì hàng loạt các vấn đề.
Cụ thể, theo GAO, trong năm 2018, chỉ có 7/11 cuộc thử nghiệm được thực hiện. Các vấn đề có liên quan nhà thầu xây dựng đã kéo theo việc tổ hợp Aegis ở Ba Lan bị chậm trễ thời gian chuyển giao 18 tháng so với kế hoạch ban đầu vào tháng 12/2018.
Đối với các địa điểm triển khai Aegis ở Ba Lan, GAO cũng chỉ ra những vấn đề mà Mỹ đang phải đối mặt với các nhà thầu xây dựng, bao gồm sự yếu kém trong việc quản lý xây dựng, thu mua, chuyển giao vật tư, thuê nhân viên đủ kỹ năng vận hành. Tất cả những yếu tố trên đã dẫn tới hiệu suất làm việc kém hiệu quả của chủ thầu.
Hơn nữa, báo cáo cho biết, các nhà thầu cũng phải thương lượng với chính phủ Ba Lan về việc cho phép hệ thống radar mạnh mẽ của Aegis có thể “chiếm sóng” vô tuyến sử dụng cho mục đích dân sự tại quốc gia Đông Âu.
Còn tại Romania, mặc dù Mỹ công bố hệ thống phòng thủ đã đi vào hoạt động được 3 năm, nhưng Aegis vẫn còn rất nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật, ví dụ như trục trặc ở hệ thống làm mát.
GAO cũng cảnh báo về lịch trình thử nghiệm hệ thống tên lửa, nhấn mạnh rằng xu hướng chậm trễ trong việc thử nghiệm các tính năng đánh chặn chủ chốt có thể “gây ra những vấn đề tốn kém về mặt vận hành” khi hệ thống đi vào hoạt động. Trong phần khuyến nghị, GAO cho rằng Mỹ nên tăng số bài thử nghiệm tên lửa trong lúc chờ đợi quá trình triển khai Aegis chậm trễ tại Ba Lan.
Lâu nay, Nga đã nhiều lần chỉ trích nỗ lực triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Đông Âu, quan ngại rằng động thái này có thể gây ảnh hưởng tới sự ổn định về mặt chiến lược tại khu vực.
Nga cáo buộc rằng các hệ thống Aegis Ashore của Mỹ triển khai ở Ba Lan và Romania sử dụng bệ phóng tên lửa MK-41. Bệ phóng này vừa có thể phóng tên lửa đánh chặn, nhưng cũng có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk, vũ khí vi phạm hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) 2 nước ký năm 1987.
Washington bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định Aegis Ashore chỉ có khả năng phóng đi “những tên lửa đánh chặn có mục đích tự vệ”.
Năm 2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng việc Mỹ triển khai Aegis Ashore ở Romania nằm sát Nga có thể sẽ buộc Moscow phải tấn công vào vị trí này trong kịch bản chiến tranh xảy ra.
Vào cuối tuần trước, New York Times dẫn nguồn tin của các quan chức Mỹ nói rằng các Washington và NATO dường như đang cân nhắc tới việc nâng cấp hệ thống Aegis Ashore để chặn được tên lửa hành trình và đạn đạo hiện đại của Nga trong bối cảnh INF sắp có nguy cơ sụp đổ và châu Âu có thể bất đắc dĩ bị kéo vào cuộc chạy đua vũ trang giữa 2 cường quốc hạt nhân.
Mỹ là bên đã rút khỏi INF trước vào tháng 2 năm nay vì cáo buộc Nga phát triển một tên lửa vi phạm hiệp ước. Mỹ cho Nga 6 tháng để hủy tên lửa nói trên. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ cáo buộc và Tổng thống Putin đã ký thành luật việc ngừng các nghĩa vụ của Nga tại INF nhằm đáp trả Mỹ.
Đức Hoàng
Theo Sputnik
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn