Khi nhân tài Trung Quốc trở thành “nạn nhân” của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ

Thứ hai - 07/01/2019 16:11
Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Trung Quốc và khiến giới nhân tài nước này gián tiếp trở thành “nạn nhân” bất đắc dĩ.

Khi nhân tài Trung Quốc trở thành “nạn nhân” của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ
(Ảnh minh họa: Reuters)

Tan Shiyang, sinh viên sắp tốt nghiệp ngành sinh học và kỹ thuật y tế tại đại học danh giá hàng đầu Trung Quốc Beihang, lẽ ra là một trong những người không bao giờ phải lo lắng về việc kiếm được một công việc tốt, đúng theo nguyện vọng.

Những người nghiên cứu về công nghệ sinh học có trình độ như Tan luôn luôn được săn đón vì họ được coi là những học giả sáng giá và tinh hoa nhất tại Trung Quốc.

Trước khi tốt nghiệp, Tan nhận được vô số lời mời làm việc từ các công ty. Sau đó, anh đã quyết định chấp nhận đề nghị làm việc cho một công ty công nghệ cao ở Thâm Quyến. Với tâm lý tự tin sau khi ra trường đã có công việc tốt, anh tập trung vào việc hoàn thành chương trình học.

Tuy nhiên, vào tháng 12, mọi thứ đột ngột thanh đổi. Công ty đã mời Tan làm việc, Mindray Bio-Medical Electronics bất ngờ thông báo với Tan rằng họ đã thay đổi kế hoạch tuyển dụng và Tan đã không được tuyển nữa. Họ xin lỗi và hứa đền bù cho Tan 5.000 Nhân dân tệ (727 USD), tương đương 1/3 tháng lương đầu tiên anh nhận được nếu đi làm.

Sự thay đổi này đã đảo lộn toàn bộ mọi kế hoạch của Tan trong bối cảnh giới quan sát nhận định rằng nền kinh tế Trung Quốc dường như đang có dấu hiệu trở nên khó khăn khi họ đang trong cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ.

“Tôi chọn Mindray vì tôi muốn làm việc cho một công ty sáng tạo. Giờ thì tôi phải làm lại từ đầu. Tôi hiếm khi nghĩ về việc nền kinh tế trở nên xuống dốc nhưng giờ tôi đoán rằng tôi là một trong những nạn nhân”, Tan nói.

Tan không phải là trường hợp cá biệt.

Eric Li đã chấp nhận lời đề nghị việc làm từ Mindray với mức lương khởi điểm 200.000 tệ/năm. Khi nghe công ty thông báo về việc thay đổi kế hoạch tuyển dụng, Li cảm thấy “sốc” vì mọi dự tính ban đầu của anh sẽ phải thay đổi toàn bộ từ việc kết hôn, mua nhà…

Li cho biết Mindray đã tổ chức một buổi tiệc chào mừng nhân viên mới vào ngày 22/12 ở Thâm Quyến, khi các tiền bối trong công ty nói về tương lai tươi sáng của anh và các ứng viên. Chỉ một tuần sau, Li nhận được cú điện thoại nói rằng anh sẽ không được nhận việc.

Trả lời SCMP, Mindray xác nhận rằng họ đã ký văn bản thỏa thuận về việc tuyển 485 sinh viên mới tốt nghiệp từ 50 đại học hồi tháng 9. Tuy nhiên, họ đã cắt bớt 254 suất vào cuối tháng 12 sau khi xem xét lại danh sách. Năm ngoái, họ đã tuyển 430 người.

Những sinh viên được hứa tuyển rồi bị từ chối vào Mindray thậm chí đã lập một nhóm trò chuyện với nhau. Những ứng viên như Li đều đồng ý rằng họ đã không gặp may khi tốt nghiệp vào năm mà nền kinh tế Trung Quốc đang chịu nhiều áp lực.

Mindray thừa nhận rằng năm 2019 có thể là một năm khó khăn và họ buộc phải thay đổi kế hoạch tuyển dụng nhằm “đảm bảo việc phát triển kinh doanh liên tục và nhanh chóng”.

Những khó khăn

Khi nhân tài Trung Quốc trở thành “nạn nhân” của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ - Ảnh minh hoạ 2
Một hội chợ việc làm ở Trung Quốc (Ảnh minh họa: AFP)

Theo chuyên gia nhân sự Elisa He, luật lệ Trung Quốc quy định rằng thỏa thuận tuyển dụng phát sinh giữa sinh viên và nhà tuyển dụng không được coi là hợp đồng hợp pháp, vì vậy nó có thể bị hủy bỏ. Tuy nhiên, việc một công ty hủy bỏ vài trăm lời đề nghị làm việc là khá hiếm hoi.

Theo thống kê, tỉ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc khá ổn định trong năm qua dù chiến tranh thương mại với Mỹ diễn ra trong bầu không khí khá căng thẳng. Mặc dù vậy, có một xu hướng cho thấy ngày càng nhiều công ty giảm tuyển dụng mới, thậm chí là cắt giảm nhân sự trong các lĩnh vực như công nghệ cao và tài chính. Điều này cho thấy, một bức tranh khác so với những thống kê chính thức.

Trước khi Mỹ và Trung Quốc ký kết hiệp định dừng cuộc chiến thương mại kéo dài trong 90 ngày từ ngày 1/12 năm ngoái, dữ liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi cả đòn thuế từ Mỹ. Giữa bối cảnh khó khăn, chính phủ Bắc Kinh đặt ra mục tiêu hàng đầu cho năm 2019 là phát triển một cách ổn định, và họ coi hoạt động tạo ra công ăn việc làm cho các sinh viên mới tốt nghiệp như Tan và Li là động thái cần thiết đảm bảo ổn định xã hội.

Năm nay, có 8.34 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp từ các trường đại học và cao đẳng Trung Quốc, con số cao kỷ lục so với 10 năm trước. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang đối mặt với sự phát triển chậm nhất trong thập niên vừa qua.

Một nghiên cứu cho thấy trên trang 51job.com, trang web tuyển dụng hàng đầu Trung Quốc, chỉ tính từ tháng 4 tới tháng 9 năm ngoái, 2 triệu lời quảng cáo công việc đã biến mất.

Sự sụt giảm này cũng khiến những người trẻ tuổi cảm thấy bất an, và họ có xu hướng muốn tìm những công việc ổn định tại cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp quốc doanh.

Joan Liu, một sinh viên cũng bị Mindray từ chối tuyển dụng nhận định: “Mindray là công ty hàng đầu trong ngành và họ vẫn "bỏ rơi" hợp đồng với chúng tôi. Vì vậy, bạn có thể tưởng tượng những công ty nhỏ đang gặp phải những điều gì. Hiện giờ ưu tiên hàng đầu của tôi khi chọn việc là ổn định”.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây