Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (Ảnh: SCMP)
“Với tư cách là nhà lãnh đạo được dân bầu dân chủ, tôi phải bảo vệ nền dân chủ, tự do và đời sống của chúng tôi”, bà Thái Anh Văn nói trước các nhà báo nước ngoài tại Đài Bắc hôm 5/1 nhằm giải thích cho sự từ chối của bà trước đề xuất thống nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước đó, tại sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc kêu gọi chấm dứt đối đầu quân sự dọc eo biển Đài Loan hôm 2/1, Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất Bắc Kinh và Đài Bắc đàm phán về vấn đề thống nhất dựa trên mô hình “một quốc gia, hai chế độ” như đang áp dụng với Hong Kong. Tuy nhiên, bà Thái Anh Văn đã ngay lập tức bác bỏ đề xuất này của ông Tập Cận Bình.
Phát biểu trước báo giới hôm qua, bà Thái Anh Văn cho biết đề xuất của ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh hai mối nguy hiểm cốt lõi mà Bắc Kinh đặt ra đối với nền dân chủ và tự do tại Đài Loan.
“Đầu tiên, bằng cách nhấn mạnh “một Trung Quốc” và “một quốc gia, hai chế độ”, đặc biệt trong bối cảnh của cái gọi là Đồng thuận 1992, Trung Quốc đã thể hiện rõ ý đồ chính trị của họ với Đài Loan cũng như những bước đi của họ cho việc thống nhất. Đây là sự phớt lờ đối với thực tế rằng, Đài Loan đang thực sự tồn tại”, bà Thái Anh Văn nói, đề cập tới Đồng thuận 1992 - một thỏa thuận công nhận chỉ có một Trung Quốc mặc dù mỗi bên có cách giải thích khác nhau về vấn đề này.
“Thứ hai, kế hoạch của Trung Quốc khi tham gia đàm phán chính trị với các đảng chính trị, thay vì chính quyền Đài Loan do dân bầu dân chủ, là sự tiếp nối chiến dịch có chủ ý của Trung Quốc nhằm gây tổn hại và làm suy yếu tiến trình dân chủ của chúng tôi, đồng thời tạo ra sự chia rẽ trong xã hội của chúng tôi”, bà Thái Anh Văn nói thêm.
Chủ tịch Tập Cận Bình kỷ niệm 40 năm ngày Bắc Kinh gửi thư kêu gọi Đài Loan thống nhất và chấm dứt đối đầu quân sự hôm 2/1. (Ảnh: Reuters)
Trong bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc lại Đồng thuận 1992 dựa trên tinh thần rằng “hai bờ eo biển Đài Loan thuộc về một Trung Quốc và cùng nhau tìm cách thống nhất xuyên eo biển”. Bắc Kinh đã dừng các cuộc đàm phán và trao đổi chính thức với Đài Bắc kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền lãnh đạo vào năm 2016 và từ chối chấp thuận Đồng thuận 1992.
“Bởi vì sự tiếp xúc dân chủ giữa hai bờ eo biển phải tuân thủ theo các nguyên tắc và sự giám sát của người dân Đài Loan, do vậy bất kỳ cuộc trao đổi nào giữa hai chính quyền cũng phải được thực hiện giữa các đại diện của người dân hai bên”, bà Thái Anh Văn nói thêm.
Bà Thái Anh Văn đã chỉ ra rằng sự thiếu lòng tin lẫn nhau là vấn đề then chốt khiến Bắc Kinh và Đài Loan không thể tìm ra cách khả thi để hợp tác với nhau.
“Sự thiếu dân chủ và bảo vệ nhân quyền, cũng như các mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc là những lý do chính (khiến Đài Loan không tin tưởng Bắc Kinh)”, bà Thái Anh Văn cho biết.
Khi được hỏi liệu chính quyền Đài Loan có muốn đàm phán với Bắc Kinh hay không, bà Thái Anh Văn cho biết chính quyền của bà không phản đối đàm phán, nhưng Bắc Kinh phải có các động thái “thúc đẩy dân chủ, bảo vệ nhân quyền và từ bỏ sử dụng vũ lực” với Đài Loan.
“Chỉ khi nào hai bên tăng cường nỗ lực nhằm tích lũy đủ lòng tin, khi đó không gian cho việc đàm phán mới mở rộng và các phương án đàm phán mới tăng lên”, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh.
Theo bà Thái Anh Văn, Đài Loan từ lâu đã thừa nhận nguyên tắc kiềm chế khiêu khích Bắc Kinh và đã thực hiện điều này để duy trì ổn định trong khu vực. Ngược lại, bà Thái cho rằng Bắc Kinh đã tìm cách gây sức ép với Đài Loan và từ chối hợp tác với hòn đảo này.
Bà Thái Anh Văn cũng kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan, cũng như lập trường của Đài Loan trong việc không chấp nhận mô hình “một quốc gia, hai chế độ” như đề xuất của ông Tập Cận Bình.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn