Indonesia đang được Guam và Hawaii truyền cảm hứng để phát triển quần đảo Natuna trở thành một địa điểm du lịch địa chất quốc tế và củng cố hoạt động bảo vệ vùng lãnh thổ cực Bắc này trước những căng thẳng trên biển Đông.
Indonesia đang chuẩn bị hồ sơ đề cử lên UNESCO công nhận quần đảo Natuna thuộc tỉnh Riau Islands là một công viên địa chất toàn cầu, ông Siswo Pramono, người đứng đầu Cơ quan Phân tích và phát triển chính sách (PADA) thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, cho biết.
Những nỗ lực này được thực hiện theo Sáng kiến phát triển đảo bền vững (SIDI) - một chương trình được khởi động năm 2016 có sự tham gia của nhiều bên liên quan và là một phần của chính sách "ngoại giao mềm" của Indonesia về vấn đề Biển Đông.
"Bây giờ, quần đảo Natuna đã là một công viên địa chất quốc gia từ cuối năm 2018, công việc tiếp theo của chúng ta là mang nó đến UNESCO để được công nhận. Hy vọng rằng vào năm 2020 hoặc 2021, nơi này sẽ được công nhận là một công viên địa chất của UNESCO" - ông Siswo nói.
Trong khi đó, Indonesia cũng tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực này của đất nước. Từ cuối năm ngoái, nước này đã xây dựng trên đảo Natuna Besar một căn cứ quân sự với một tiểu đoàn bộ binh, một số đại đội hải quân cùng các quân nhân kỹ thuật.
Còn ở khu vực Dompak trên đảo Bintan, tỉnh Riau Islands, quân đội Indonesia (TNI) cũng bắt đầu xây dựng trụ sở cho Bộ tư lệnh Khu vực phòng thủ chung I (Kogabwilhan I) - đơn vị mới được thành lập, Tư lệnh Không quân Hadi Tjahjanto cho biết.
Kogabwilhan I có nhiệm vụ giám sát các đơn vị tác chiến hiện có của cả ba quân chủng hải quân, lục quân và không quân trong khu vực, bao gồm tiểu đoàn tác chiến hỗn hợp đang có trên quần đảo Natuna, để giải quyết các nguy cơ an ninh cụ thể và tăng cường khả năng phối hợp chỉ huy trong khu vực.
Để thống nhất với kế hoạch đệ trình công nhận Natuna trở thành công viên địa chất toàn cầu, Bộ Ngoại giao Indonesia đã phối hợp với TNI để điều chỉnh lại kế hoạch không gian phòng thủ Natuna.
Năm ngoái, một nhóm các chuyên gia đã được cử đến Guam và Hawaii để học hỏi kinh nghiệm về cách mà địa phương này "thành công trong tiến hành đồng thời các hoạt động kinh tế, du lịch và quân sự" - ông Dindin Wahyudin, Giám đốc đối ngoại đa phương của PADA, cho biết.
Nhóm chuyên gia kết luận rằng mô hình Guam có được áp dụng được ở quần đảo Natuna. "Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ thảo luận với Bộ Quốc phòng về việc những cơ sở quân sự đang có sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế và du lịch ở Natuna" - ông Dindin nói tiếp.
Việc được công nhận là một công viên địa chất toàn cầu có thể mở ra cánh cửa mới, rộng mở hơn và theo sau đó là một loạt các cơ hội, đặc biệt là về du lịch sinh thái. Theo bà Ina Krisnamurthi, chuyên gia tư vấn chính sách kinh tế, du lịch sinh thái sẽ "mang đến tác động đa dạng hơn cho cộng đồng địa phương".
Tiềm năng kinh tế của quần đảo Natuna còn nằm ở việc nó có khả năng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nhà nghỉ,... thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống xử lý nước thải, chất thải và các cầu cảng cho du thuyền, các tàu du lịch vừa và nhỏ, bà Ina nói thêm.
Trong đó, Nhật Bản đang thể hiện quan tâm đến cơ hội hợp tác phát triển du lịch, nghề cá và hạ tầng năng lượng ở vùng đảo cực Bắc này của Indonesia.
Ông Keiichi Ono, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Indonesia, cho biết những hợp tác du lịch sẽ là một phần quan trọng trong chính sách của Nhật Bản vì "một Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do", nhấn mạnh vị trí của Indonesia là cực kỳ quan trọng trong chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tokyo.
Chuyên gia Evan Laksmana thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết "việc nâng cao vị thế của quần đảo Natuna trên toàn cầu sẽ củng cố các yêu sách chính đáng của Indonesia trong vùng đảo và vùng biển này" và có thể "gây ra nhiều khó khăn hơn đối với các nước muốn "xâm phạm" chủ quyền".
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng kế hoạch sẽ "không thay đổi những tính toán bá quyền của Trung Quốc, cũng không thể ngay lập tức khiến Biển Đông hòa bình hơn". "Do đó, dù cho kế hoạch không hề có vấn đề, đừng giả vờ như nó sẽ giúp chúng ta ổn định môi trường khu vực" - ông nói tiếp.
Từ lâu, tình hình Biển Đông đã trở nên phức tạp bởi các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, nổi bật là yêu sách đường chín đoạn, khiến Biển Đông ngày càng trở thành một điểm nóng về nguy cơ xung đột.
Theo Văn Kiếm
Pháp luật TP.HCM
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn