Ukraine hiện như con tàu đắm do những bất ổn hậu đảo chính tháng 2/2014
Đạo diễn Mỹ kêu gọi giải mật xung đột Ukraine
Đạo diễn lừng danh của Mỹ Oliver Stone cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nên tiết lộ cho công luận tài liệu mật về cuộc xung đột Ukraine. Ông tuyên bố điều này trong cuộc phỏng vấn với chương trình "Voscresnoe vremya" (Thời gian Chủ nhật) trên kênh 1.
Theo nhận xét của đạo diễn, với sự bưng bít của giới truyền thông, chịu sự chi phối của giới chức lãnh đạo chính quyền, có rất ít thông tin đúng đắn được công bố, người dân Mỹ và các nước phương Tây khác không biết đến tình hình thực tế đã diễn ra ở Ukraine như thế nào.
"Nếu tôi là Tổng thống Trump, tôi sẽ giải mật tất cả mọi thông tin về Ukraine cũng như về Syria, nhưng trước tiên là về Ukraine, bởi vì chính từ đó đã khởi đầu cuộc Chiến tranh Lạnh mới" - ông Oliver Stone nói.
Stone cũng gọi việc các cơ quan và giới chức lãnh đạo Mỹ và Liên minh châu Âu đưa ra những cáo buộc rằng nước Nga "chiếm Crimea, hiện diện quân sự ở Donbass, đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraine và thậm chí đang chuẩn bị xâm lược châu Âu" là “những câu chuyện cổ tích”.
Đạo diễn dự đoán rằng, đứng đằng sau tất cả những sự kiện quan trọng trong thời hiện đại là Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA), trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine. Theo ông, việc gây bạo loạn ở Ukraine, lập nên chính phủ chống Nga là mục tiêu của họ ngay từ đầu của Chiến tranh Lạnh.
Stone khẳng định có bằng chứng mạnh mẽ rằng Washington cần một cái cớ giả tạo để bắt đầu các cuộc chiến tranh. Theo vị đạo diễn này, Mỹ cần kẻ thù để tiếp tục tồn tại, giới lãnh đạo Mỹ cần kẻ thù để tiếp tục rót hàng tỷ USD cho giới công nghiệp quốc phòng.
"Điều đó thật điên rồ. Mỹ cần tạo ra nỗi sợ hãi, cần kẻ thù và không chỉ một kẻ thù. Tôi nghĩ rằng sức mạnh của Mỹ dựa vào những kẻ thù, vì chúng mang lại tiền bạc" - vị đạo diễn Mỹ kết lại lời kêu gọi tân Tổng thống Donald Trump giải mật tài liệu về xung đột Ukraine.
Ukraine: Con tốt trong bàn cờ thế bao vây Nga
Theo tác giả John J. Mearsheimer, Mỹ và các đồng minh phương Tây phải chịu hầu hết trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng chính trị đã xé nát đất nước Ukraine, đầu tiên là việc bán đảo Crime ly khai và sáp nhập vào Nga, sau này có thể là cả khu vực Donbass.
Gốc rễ của vấn đề nằm ở sự mở rộng của NATO về hướng đông, nhân tố trung tâm của một chiến lược lớn hơn là bao vây, kiềm chế Nga. Do đó, phương Tây đã chống lưng cho lực lượng đối lập ở Ukraine, nhằm đưa nước này thoát khỏi quỹ đạo kiểm soát của Nga, gia nhập Liên minh châu Âu và khối NATO.
Hàng tỷ USD từ các nguồn mờ ám như Quỹ đầu tư của tỷ phú Soros đã được chi cho phe đối lập Ukraine thực hiện Cách mạng Cam, bắt đầu từ năm 2004, đưa ông Yushchenko lên làm Tổng thống.
Tuy nhiên, thời gian sau đó, Ukraine vẫn chưa dứt ra khỏi vòng ảnh hưởng của Nga, dẫn đến việc ông Yanukovych trở lại cầm quyền vào tháng 2/2010.
Thế nhưng phương Tây vẫn tiếp tục chiến lược lôi kéo Ukraine ngả sang phương Tây bằng cách lợi dụng triệt để mâu thuẫn giữa Chính phủ của Tổng thống Yanukovych và phe đối lập trong nhiều vấn đề xã hội của Ukraine, chủ động gây hỗn loạn trong nước.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cuộc đảo chính trên quảng trường Maidan tháng 2/2014 là việc vào cuối năm 2013, Chính phủ Yanukovych từ chối ký kết hiệp định liên kết giữa Ukraine và EU (Ukraine-European Union Association Agreement) và quay sang tìm sự trợ giúp từ phía Nga với khoản viện trợ tài chính lên tới 15 tỉ USD, cũng như cam kết quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
Việc Yanukovych ngừng tiến trình hội nhập của nước này với EU và có thể đàm phán gia nhập Liên minh Á-Âu do Nga đứng đầu đã dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình và lên đến đỉnh điểm hồi tháng 1 và nửa đầu tháng 2 năm 2014, khi các cuộc đàm phán giữa ông Yanukovych và phe đối lập đã thất bại.
Đến giữa tháng 2/2014, Ukraine trên bờ vực tai họa của một cuộc nội chiến với các cuộc xô xát giữa lực lượng biểu tình và lực lượng an ninh, dẫn tới sự đổ máu đầy mờ ám đối với cả 2 bên.
Chỉ riêng ngày 18/2, đã có 28 người biểu tình cùng với 7 cảnh sát và một dân thường đứng ngoài xem bị thiệt mạng và 335 người bị thương. Tổng cộng có ít nhất 77 người bỏ mạng và hàng trăm người bị thương cho đến ngày 21/2 trong những cuộc đụng độ đẫm máu tại thủ đô Kiev.
Trước uy thế của cuộc biểu tình đầy kích động và sức mạnh của lực lượng “Tự vệ Maidan”, ông Yanukovych đã bỏ chạy khỏi Ukraine sang Nga và sau đó bị quốc hội Ukraine, với đa số đối lập bỏ phiếu bãi bỏ tư cách tổng thống vào ngày 22/2 với 328 trên 340 phiếu thuận.
Nga không thể khoanh tay đứng nhìn "thòng lọng siết vào cổ"
Cuộc đối đầu giữa các phe phái tại Ukraine còn là cuộc đối đầu Nga-phương Tây. Hành động của Mỹ tại Ukraine là một phần trong những bước đi nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Nga, thay đổi trật tự hậu chiến tranh Lạnh do Liên Xô - Mỹ hình thành từ cuối những năm 1980.
Trong những năm vừa qua, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đã dần trở nên gay gắt và xung khắc, bắt đầu từ khi NATO lôi kéo các quốc gia Đông Âu và thuộc Liên Xô cũ xung quanh Nga, khiến Moscow cảm giác bất bình, thất vọng và các kì vọng tan vỡ.
Quá khứ và tình hình hiện tại khiến người Nga dễ dàng kết luận rằng phương Tây có thái độ thù địch với Nga. Điện Kremlin nghĩ rằng, Hoa Kỳ về cơ bản đã không giữ lời hứa về các vấn đề chủ chốt trong dàn xếp với nước Nga hậu Xô-viết, xâm phạm lợi ích quốc gia và an ninh của Nga.
Ba vấn đề khiến Nga nổi giận là “hai thập kỷ NATO kết nạp các nước thành viên khối Hiệp ước Warsaw cũ và các nước Liên Xô cũ”; “việc Mỹ chấm dứt Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) và nhăm nhe triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu” và “Mỹ nỗ lực để dựng các tuyến đường ống dẫn dầu từ biển Caspian đi vòng qua Nga”.
Những động thái này của Mỹ đã khoét sâu và làm trầm trọng thêm tâm lý bất mãn sâu sắc của Nga, Moscow coi đây là một chiến lược nham hiểm nhằm mục đích bao vây, kiềm chế sự lớn mạnh của Nga, đồng thời hạ thấp địa vị và tầm ảnh hưởng của nước này ở trong và ngoài khu vực.
Kể từ giữa thập niên 1990, giới lãnh đạo Nga đã phản đối mạnh mẽ sự mở rộng của NATO, và trong những năm gần đây họ cũng nêu rõ quan điểm rằng Nga sẽ không đứng nhìn các quốc gia láng giềng có tầm quan trọng chiến lược bị biến thành thành trì của phương Tây.
Thực tế cho thấy, viễn cảnh mà Gruzia và Ukraine cũng có thể gia nhập Liên minh châu Âu và khối NATO để hoàn tất cái "thòng lọng siết vào cổ" mình đã khiến Nga nổi giận và đưa ra phản ứng đáp trả mạnh mẽ, mà đầu tiên là “Cuộc chiến tranh 5 ngày” với Gruzia năm 2008.
Và đến lượt Ukraine, cuộc đảo chính của các phe phái đối lập được Mỹ hậu thuẫn trên Quảng trường Maidan ở thủ đô Kiev, lật đổ chính quyền Yanukovych, dựng chính quyền thân phương Tây ở Kiev hồi tháng 2/2014 là giọt nước làm suy kiệt sự kiên nhẫn của Nga.
Ukraine là “đất nước anh em” của Nga, có mối quan hệ đặc biệt mang tính lịch sử, có vị trí chiến lược đối với an ninh quốc gia của Nga. Do đó, Moscow coi việc Mỹ can thiệp vào Ukraine, phế truất chính quyền thân Nga, dựng lên chính quyền phương Tây là điều không thể chấp nhận được.
Viễn cảnh vũ khí NATO được đưa đến Donbass và Hạm đội Biển Đen bị "đuổi" khỏi Crimea để nhường chỗ cho Hạm đội Mỹ đã buộc Putin phải ra tay hành động, sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của Nga tháng 3/2014 và... cuộc nội chiến ở miền Đông Ukraine bùng phát.
Theo Thiên Nam
Đất Việt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn