Giải mã bức ảnh “dạo đầu” vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Thứ hai - 04/09/2017 09:51
Chỉ vài giờ trước khi tiến hành vụ thử bom nhiệt hạch lần thứ 6 hôm 3/9, Triều Tiên đã công bố các bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một thiết bị được cho là đầu đạn hạt nhân. Động thái này của Bình Nhưỡng có thể ẩn chứa một số thông điệp phía sau.

Giải mã bức ảnh “dạo đầu” vụ thử hạt nhân của Triều Tiên
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát thiết bị được cho là đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa đạn đạo. Một biểu đồ mô tả quá trình vận hành của đầu đạn hạt nhân cũng được nhìn thấy trong bức ảnh này. (Ảnh: Reuters)

Truyền thông Triều Tiên ngày 3/9 thông báo nước này đã thử thành công bom nhiệt hạch có thể gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Đây được xem là vụ thử mạnh nhất và thành công nhất của Bình Nhưỡng từ trước đến nay.

Đánh giá ban đầu của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho thấy rung chấn động đất gây ra bởi vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên ở mức 6,3 độ Richter, và đây là mức cao nhất trong 6 vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng trong vòng hơn 10 năm qua.

Chỉ vài giờ trước khi vụ thử hạt nhân lần thứ 6 diễn ra, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) đã công bố các bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một thiết bị được cho là bom nhiệt hạch, hay đầu đạn nhiệt hạch, bên cạnh cấp dưới của ông.

Theo chuyên gia quốc phòng Melissa Hanham, không phải ngẫu nhiên mà những bức ảnh này được truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng tải vào thời điểm đó. Chuyên gia Hanham cho rằng Bình Nhưỡng có thể muốn gửi gắm một số ẩn ý thông qua động thái này.

Hiện chưa rõ vật thể mà ông Kim Jong-un thị sát là thiết bị thật được sử dụng để kích nổ tại khu thử hạt nhân, hay chỉ là mô hình được trưng bày trong phòng. Tuy nhiên, điều Bình Nhưỡng muốn chứng minh cho thế giới thấy đó là, họ thực sự biết cách tạo ra một đầu đạn hạt nhân đáng tin cậy.

Giải mã các bức ảnh

Giải mã bức ảnh “dạo đầu” vụ thử hạt nhân của Triều Tiên - Ảnh minh hoạ 2
Thiết bị mà ông Kim Jong-un thị sát có thể là bom nhiệt hạch kép với hai phần phân hạch và nhiệt hạch (Ảnh: Reuters)

Trong các bức ảnh, nhà lãnh đạo Kim Jong-un được nhìn thấy đứng rất gần thiết bị được cho là đầu đạn hạt nhân. Nếu đây là đầu đạn hạt nhân thực sự, thì ở khoảng cách quá gần như vậy, ông Kim Jong-un có thể sẽ gặp nguy hiểm. Mặc dù vậy, xuất hiện trong bối cảnh nguy hiểm dường như không phải chuyện bất thường đối với ông Kim Jong-un.

Hồi tháng 3/2016, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng được nhìn thấy đứng rất gần một tên lửa chuẩn bị rời bệ phóng trong các bức ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố. Ông Kim Jong-un khi đó thậm chí còn hút thuốc ở ngay cạnh động cơ nhiên liệu rắn của tên lửa này.

Thông thường trong các bức ảnh chụp đầu đạn hạt nhân của Nga và Mỹ, người xem sẽ chỉ nhìn thấy phần chóp của các đầu đạn này. Trong khi đó, các bức ảnh của Triều Tiên lại cho thấy khá rõ toàn bộ cấu trúc đầu đạn. Cho dù đầu đạn này chỉ là mô hình, vẫn có những dấu hiệu cho thấy mô hình này rất đáng tin cậy và người xem có thể hình dung ra hình dạng, kích thước cũng như các chi tiết bên trong.

Theo chuyên gia Hanham, thiết bị mà ông Kim Jong-un thị sát có thể là một bom nhiệt hạch kép gồm 2 phần tách biệt. Phần lớn hơn, nằm ở phía trước, được cho là bộ phận phân hạch, còn phần hình trụ màu bạc với dây dẫn nhô ra có thể là bộ phận nhiệt hạch. Khi bộ phận phân hạch được kích nổ bằng phản ứng phân hạch, nó sẽ kích hoạt phần nhỏ hơn của đầu đạn, hay còn gọi là bộ phận nhiệt hạch, và tạo ra phản ứng nhiệt hạch.

Giải mã bức ảnh “dạo đầu” vụ thử hạt nhân của Triều Tiên - Ảnh minh hoạ 3
Phần chóp của tên lửa Hwasong-14 xuất hiện trong bức ảnh (Ảnh: Reuters)

Ngoài đầu đạn hạt nhân, trong một số bức ảnh, Triều Tiên còn cho thấy nửa trên của một quả tên lửa. Phần chóp của thiết bị này được sơn hai màu vàng, đen và đây chính là phần chóp của tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 - loại tên lửa từng được Bình Nhưỡng thử nghiệm hồi tháng 7. Điều này cho thấy, Triều Tiên có thể đã đạt được công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Trong một số bức ảnh còn xuất hiện hình ảnh của một biểu đồ với thông tin chi tiết về quá trình vận hành của đầu đạn hạt nhân. Các biểu đồ này được viết bằng tiếng Triều Tiên và dường như cho thấy đầu đạn hạt nhân được thiết kế để gắn lên tên lửa đạn đạo.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây