Uy lực máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ
Máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc do tập đoàn Chengdu Aerospace phát triển và bắt đầu thử nghiệm từ năm 2011 trước khi đưa vào hoạt động từ tháng 3/2017. Tính đến nay, khoảng vài chục chiếc J-20, hay còn gọi với biệt danh là “Rồng dũng mãnh”, đã được chế tạo cho quân đội Trung Quốc và nhà sản xuất dự kiến sẽ tiếp tục chế tạo loại máy bay này.
Máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất riêng cho hoạt động của Không quân Mỹ. Ngay cả việc xuất khẩu loại máy bay có biệt danh “Chim ăn thịt” này cho các đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng bị cấm để bảo vệ công nghệ tàng hình của F-22.
“Chim ăn thịt” F-22 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 9/1997 và được đưa vào hoạt động từ tháng 12/2005. Tới năm 2011, việc chế tạo máy bay này tạm dừng do chi phí cao và vào thời điểm đó cũng chưa có máy bay nào có thể thách thức sự thống trị của F-22.
Mỹ đang lên kế hoạch nâng cấp F-22 trong tương lai, còn ở thời điểm hiện tại F-22, cùng với J-20, vẫn là một trong những máy bay chiến đấu thế hệ 5 hiện đại nhất trên thế giới. Cả J-20 và F-22 đều có khả năng tàng hình, đồng nghĩa với việc chúng có thể tránh được sự phát hiện của radar đối phương.
Thiết kế
J-20 và F-22 đều có kích cỡ gần tương đương nhau. J-20 dài 20,3m và có độ rộng sải cánh là 12,9m. Trong khi đó F-22 dài 19m và có độ rộng sải cánh là 13,6m.
Theo một số chuyên gia phân tích, so với F-22, kích cỡ lớn hơn của J-20 có thể giúp máy bay này bay được tầm xa hơn và ít phụ thuộc hơn vào các máy bay tiếp dầu trên không khi hoạt động ở những khu vực rộng lớn như Thái Bình Dương.
Được làm từ chất liệu hợp kim, cả J-20 và F-22 đều có trọng lượng khoảng 19.000kg. Trọng lượng cất cánh tối đa của F-22 khoảng 38.000kg, nhiều hơn J-20 2.000kg.
Tốc độ
Cả F-22 và J-20 đều có trần bay 20km với tốc độ tối đa hơn Mach 2 (2.470km/giờ) và nhanh hơn tốc độ âm thanh.
F-22 có tầm hoạt động tương đối ngắn hơn với bán kính chiến đấu là 800km, trong khi J-20 có thể duy trì bán kính chiến đấu khoảng 1.100km.
Động cơ
“Chim ăn thịt” của Mỹ vận hành nhờ động cơ phản lực cánh quạt đẩy có buồng đốt phụ F119-PW-100 cho phép máy bay này di chuyển với tốc độ Mach 1.82.
Trong khi đó, động cơ là điểm yếu nhất của J-20. Trung Quốc vẫn chưa thực hiện được kế hoạch phát triển các động cơ phản lực cánh quạt đẩy hiện đại của riêng nước này, do vậy các nhà sản xuất phải trông cậy vào các động cơ yếu hơn như WS-10B của Trung Quốc hay AL-31FM2/3 của Nga. Điều này đã ảnh hưởng tới khả năng cơ động và năng lực tàng hình của J-20 khi bay ở tốc độ siêu thanh. Tuy vậy, động cơ WS-15 dự kiến được đưa vào sử dụng trong năm tới có thể sẽ giải quyết những vấn đề này của máy bay Trung Quốc.
Tàng hình
Khả năng tàng hình phía trước và hai bên của J-20 được đánh giá tốt. Tuy vậy, so với “Chim ăn thịt”, “Rồng dũng mãnh” được cho là dễ bị radar phát hiện hơn từ phía sau.
Giới phân tích cho rằng khả năng tàng hình của J-20 rõ ràng kém hơn F-22. Máy bay Trung Quốc được cho là không có lớp sơn hấp thụ radar tốt như máy bay Mỹ. Ngoài ra, J-20 cũng không được trang bị hệ thống cảm biến điện tử hiện đại như F-22.
Vũ khí
Để duy trì khả năng tàng hình, cả hai máy bay chiến đấu của Mỹ và Trung Quốc đều thiết kế khoang chứa vũ khí trong thân. J-20 có thể mang tới 6 tên lửa không đối không, ít hơn so với F-22. Tuy vậy, nhờ vào không gian lớn hơn trong khoang chứa, J-20 có thể mang được những tên lửa lớn hơn, tầm xa hơn và cả bom dẫn đường chính xác LS-6. Các chuyên gia cho rằng nếu so sánh về khoang chứa vũ khí, F-22 dường như “lép vế” hơn so với J-20.
F-22 có thể mang được 8 tên lửa không đối không hoặc không đối đất tầm ngắn hoặc trung. “Chim ăn thịt” của Mỹ cũng được trang bị pháo M61 Vulcan và 4 điểm treo bình xăng dưới cánh cho phép F-22 mang thêm nhiên liệu hoặc tên lửa.
Điện tử
Kích cỡ của J-20 lớn hơn so với F-22 (Ảnh: Fighter Sweep)
Cả F-22 và J-20 đều được tích hợp các công nghệ cảm biến và điện tử hiện đại, bao gồm radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) cho phép phát hiện nhiều mục tiêu trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào.
Shenzhen TV đưa tin hệ thống radar Type AESA của J-20 “hoàn toàn tương tự” hệ thống AN/APG-77 của F-22.
Giá cả
Kế hoạch chế tạo F-22 đã bị dừng lại do chi phí đắt đỏ. Kinh phí cho toàn bộ dự án phát triển dòng máy bay này là 62 tỷ USD, tương đương khoảng 339 triệu USD/máy bay.
Kinh phí để nghiên cứu và phát triển dự án J-20 của Trung Quốc ước tính hơn 30 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,4 tỷ USD). Giá của mỗi chiếc J-20 vào khoảng 100-110 triệu USD.
J-20 dự kiến sẽ được sản xuất với số lượng áp đảo hơn so với F-22 trong tương lai nếu Trung Quốc tiếp tục đầu tư ngân sách cho quân sự để phát triển các máy bay chiến đấu mới.
Máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc diễn tập
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn