Trong một động thái khiến dư luận quốc tế bất ngờ, Tổng thống Donald Trump ngày 8/3 đã chấp nhận lời mời và đồng ý gặp mặt nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau một thời gian “khẩu chiến”. Sự kiện này dự kiến diễn ra vào tháng 5 và đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Làng đình chiến
Liên quan tới quá trình tổ chức cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo, New York Times cho biết “chính quyền Mỹ đã xem xét các vấn đề về hậu cần và địa điểm của cuộc gặp, và một nhà ngoại giao cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng địa điểm khả thi nhất là tại Nhà Hòa bình - một phòng hội nghị ở Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) ngăn cách Hàn Quốc và Triều Tiên”.
Trong khi đó, một nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết làng đình chiến Panmunjom ở DMZ là “một trong những nơi” có khả năng cao diễn ra cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un. Panmunjom được xem là khu vực mang tính biểu tượng vì đây từng là nơi ký kết thỏa thuận đình chiến giữa Triều Tiên và Hàn Quốc sau cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953).
Theo Chosun Ilbo, làng đình chiến Panmunjom có những điều kiện thuận lợi để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vì nằm ở vùng lãnh thổ trung lập, do vậy sẽ gây ra ít rắc rối hơn cả về chính trị cũng như ngoại giao cho hai nhà lãnh đạo so với việc tổ chức tại Mỹ hoặc Triều Tiên. Ngoài ra, một sự kiện diễn ra ở khu vực đình chiến cũng sẽ giúp kiểm soát an ninh dễ dàng hơn.
Hồi tháng trước, các quan chức Triều Tiên và Hàn Quốc cũng đã nhóm họp tại Nhà Hòa bình ở làng đình chiến Panmunjom để thảo luận về việc cử đoàn vận động viên Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự Thế vận hội mùa Đông. Theo kế hoạch, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng sẽ tới ngôi làng này để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 4 tới.
Thủ đô Mông Cổ
Theo Diplomat, mặc dù phương án tối ưu nhất về địa điểm tổ chức cuộc gặp chưa từng có tiền lệ giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un là ở làng đình chiến Panmunjom, song chính quyền Mỹ có thể cân nhắc một lựa chọn khả thi khác là thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ.
Chưa đầy 12 giờ sau khi thông tin về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều được công bố, cựu Tổng thống Mông Cổ Ts Elbegdorj đã đưa ra đề xuất về địa điểm tổ chức sự kiện quan trọng này.
“Đây là một lời đề nghị: Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau ở Ulaanbaatar, Mông Cổ - nơi trung lập và phù hợp nhất. Chúng tôi từng tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, bao gồm cuộc gặp giữa Nhật Bản và Triều Tiên”, cựu Tổng thống Ts Elbegdorj viết trên mạng xã hội Twitter.
Có 8 lý do để thủ đô Ulaanbaatar có thể trở thành điểm đến lý tưởng.
Sự trung lập
Mông Cổ đã theo đuổi lập trường chính trị trung lập và quan hệ hữu hảo với tất cả các quốc gia láng giềng trong khu vực kể từ sau cuộc cách mạng dân chủ năm 1990. Năm 2015, Mông Cổ từng thảo luận về việc xây dựng vị thế của một quốc gia trung lập chính thức.
Quan hệ với Mỹ
Kể từ năm 1990, Mông Cổ đã xây dựng quan hệ thân thiện với Mỹ và hai nước đã có nhiều cuộc trao đổi cấp cao thông qua các chuyến thăm chính thức. Ngoài ra, Mỹ cũng cung cấp các khoản đầu tư viện trợ cho Mông Cổ trong những năm qua.
Quan hệ với Triều Tiên
Ngoại trưởng Mông Cổ D Tsogtbaatar vừa có chuyến thăm tới thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên hồi đầu tháng 2. Triều Tiên cũng đã ký hợp đồng gửi hàng nghìn công nhân lao động sang Mông Cổ trong nhiều năm.
Cuộc gặp ở châu Á
Trong trường hợp cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều diễn ra ở châu Á, Mông Cổ là địa điểm thuận lợi cho cả hai bên. Phái đoàn Triều Tiên có thể dễ dàng tới Ulaanbaatar với một chuyến bay qua lãnh thổ Trung Quốc hoặc đi tàu qua Trung Quốc hay Nga. Còn phái đoàn Mỹ có thể đáp chuyến bay từ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc tới Ulaanbaatar.
Các cuộc gặp quá khứ
Giới chức Triều Tiên từng có các cuộc gặp với chính phủ nước ngoài tại Mông Cổ trong những năm gần đây và Mông Cổ cũng từng mời Triều Tiên tham dự các sự kiện do chính phủ Mông Cổ đăng cai tổ chức. Giới Triều Tiên và Nhật Bản từng gặp nhau ở Ulaanbaatar vào các năm 2007 và 2012.
Năm 2017, Mông Cổ đã tổ chức Đối thoại Ulaanbaatar về Đông Bắc Á. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cũng tham dự và có các cuộc gặp song phương với quan chức của các nước tham dự đối thoại. Các cuộc gặp đều diễn ra thành công và giới chức Triều Tiên đều cảm thấy thoải mái với sự đón tiếp của chủ nhà Mông Cổ.
Sự tín nhiệm
Phi hạt nhân hóa sẽ là một trong số những vấn đề chính trong chương trình nghị sự của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều. Trong khi đó, Mông Cổ đã chính thức được công nhận là khu vực phi hạt nhân từ năm 2012.
Sự chấp thuận của các bên
Liên quan tới hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, chính phủ Hàn Quốc chắc chắn sẽ ưu tiên những địa điểm mà nước này có thể can dự trực tiếp hơn, song Mông Cổ vẫn là một lựa chọn có thể chấp nhận được.
Nhật Bản đánh giá cao vai trò cầu nối của Mông Cổ khi tổ chức các hội nghị trong quá khứ. Ngoài ra, Tokyo cũng muốn địa điểm gặp mặt diễn ra tại một nơi xa bán đảo Triều Tiên để có thêm cơ hội đưa vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc vào chương trình nghị sự.
Hiện chưa rõ liệu Nga và Trung Quốc có đưa ra bất kỳ phương án khả thi nào hay không, tuy nhiên Ulaanbaatar có thể là là lựa chọn chấp nhận được cho cả hai.
Năng lực tổ chức
Mặc dù Ulaanbaatar có thể sẽ gặp khó khăn khi đón tiếp hàng trăm quan chức cùng một lúc, tuy nhiên nước này từng tổ chức thành công các sự kiện lớn trong quá khứ và gần đây nhất là Hội nghị Á - Âu mùa hè năm 2016.
Vào thời điểm tháng 5 khi cuộc gặp Mỹ - Triều dự kiến diễn ra, lượng khách du lịch tới Ulaanbaatar cũng không đông do thời tiết mùa đông lạnh giá. Do vậy, các khách sạn và máy bay tại Mông Cổ vẫn có thể đáp ứng đủ nhu cầu của các phái đoàn.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn