Chân dung “bông hồng thép” đầu tiên được đề cử lãnh đạo CIA
Đặc vụ cứng rắn
Tổng thống Donald Trump ngày 13/3 thông báo đã đề cử Phó Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel làm Giám đốc CIA, sau khi ông chủ Nhà Trắng sa thải Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và đưa Giám đốc CIA Mike Pompeo vào vị trí này. Nếu được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, bà Gina Haspel sẽ là phụ nữ đầu tiên giữ chức lãnh đạo CIA trong lịch sử của cơ quan tình báo hàng đầu này.
Trong thông cáo được đưa ra sau thông báo đề cử của Tổng thống Trump, RT dẫn lời bà Haspel cho biết: “Tôi rất vinh dự được Tổng thống Trump trao cho cơ hội được giữ chức Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Nếu được phê chuẩn, tôi hy vọng sẽ mang đến cho Tổng thống Trump sự hỗ trợ xuất sắc về tình báo như ông vẫn kỳ vọng trong năm đầu tại nhiệm”.
Theo CBS, bà Gina Haspel sinh ngày 1/10/1956, có nhiều tiếng tăm trong giới tình báo và là người theo đuổi lập trường cứng rắn. Bà bắt đầu làm việc tại CIA từ năm 1985, trong đó phần lớn thời gian là hoạt động bí mật, và được ông Trump đề cử làm phó Giám đốc CIA từ tháng 2/2017. Tuy nhiên, quyết định bổ nhiệm bà Haspel từng là chủ đề gây tranh cãi liên quan tới việc bà từng quản lý một nhà tù “đen” chuyên giam giữ các tội phạm khủng bố của Mỹ.
Là một sĩ quan tình báo kỳ cựu của Mỹ, trong những tháng gần đây, bà Haspel chịu trách nhiệm quản lý công việc hàng ngày tại CIA trong lúc ông Pompeo phải dành nhiều thời gian làm việc tại Nhà Trắng. Trong 30 năm công tác tại CIA, bà Haspel đã nhiều lần nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao tại các cơ quan quan trọng như Cục Bí mật Quốc gia hay Trung tâm chống khủng bố. Bà Haspel từng được trao tặng những danh hiệu cao quý, trong đó có Presidential Rank Award - phần thưởng cao nhất dành cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dân sự liên bang.
Gina Haspel là một trong những sĩ quan tình báo hàng đầu của Mỹ tham gia vào chương trình thẩm vấn nghi phạm khắc nghiệt dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush. Các tổ chức nhân quyền đã lên án mạnh mẽ chương trình này vì cho rằng tình báo Mỹ đã sử dụng các biện pháp tra tấn tù nhân vô nhân đạo.
Bà Haspel có nhiều kinh nghiệm công tác tại các căn cứ của Mỹ ở nước ngoài và từng điều hành một nhà tù đen của Mỹ ở Thái Lan - nơi giam giữ các nghi phạm khủng bố của tổ chức al-Qaeda hồi năm 2002. Đây cũng là nhà tù bí mật ở nước ngoài đầu tiên của CIA và bị nghi ngờ áp dụng nhiều hình thức tra khảo cực hình đối với các tù nhân, trong đó có “trấn nước” - biện pháp tra tấn sử dụng vải che mặt nghi phạm và liên tục dội nước khiến nghi phạm có cảm giác sắp chết ngạt.
Vai trò tranh cãi
The Times đưa tin bà Haspel từng đóng vai trò trực tiếp trong một chương trình của CIA, trong đó cho phép chuyển các phiến quân khủng bố bị bắt giữ cho chính phủ nước ngoài và giam giữ họ tại những cơ sở bí mật. Theo Vox, bà Haspel cho đến nay vẫn là một nhân vật gây tranh cãi trong chính quyền Mỹ vì vai trò của bà khi tham gia chương trình tra tấn của CIA.
Theo New Yorker, trong thời gian bà Haspel quản lý nhà tù ở Thái Lan, một trong số các nghi phạm khủng bố bị giam giữ là Abu Zubaydah người được cho là “bị tra tấn tàn nhẫn tới mức dường như đã thiệt mạng”. Các đặc vụ CIA bị cáo buộc đã “trấn nước” Zubaydah 83 lần, thậm chí còn ném nghi phạm này vào tường nhiều lần. Một nghi phạm khác là Abd al Rahim al-Nashiri cũng từng bị “trấn nước” vào năm 2002 và đang bị giam giữ tại nhà tù khét tiếng Guantanamo Bay ở Cuba.
Ngoài ra, CIA cũng bị nghi ngờ đã tìm cách xóa các video ghi lại cảnh tra tấn các nghi phạm bên trong các nhà tù. Theo Vox, 92 đoạn băng video vẫn được lưu giữ cho tới khi CIA loại bỏ chúng vào năm 2005 và bà Haspel được cho là có liên quan tới quyết định xóa dấu vết. Bộ Tư pháp Mỹ từng vào cuộc điều tra vụ xóa các video tra tấn của CIA, song rốt cuộc không khởi kiện vụ việc này. Tới năm 2009, cựu Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh đóng cửa các nhà tù đen của CIA và cấm sử dụng các biện pháp như “trấn nước” để tra khảo nghi phạm.
Mặc dù các nhà tù đen của CIA bị đóng cửa, song sự trở lại của bà Haspel trong vai trò Phó Giám đốc CIA hồi năm ngoái và Giám đốc CIA trong thời gian tới đã đặt ra nhiều nghi vấn về khả năng chương trình gây tranh cãi của CIA có thể được hồi sinh. Điều đáng nói là đương kim Tổng thống Donald Trump cũng từng tuyên bố rằng ông ủng hộ việc áp dụng trở lại các biện pháp tra khảo đối với các nghi phạm khủng bố. Theo CNN, trong phiên chất vấn sắp tới Thượng viện trước khi được bổ nhiệm chính thức vào vị trí lãnh đạo CIA, bà Haspel có thể sẽ phải điều trần về vai trò của bà liên quan tới nghi vấn tra khảo tù nhân tại Thái Lan.
Mặc dù Tổng thống Trump dành nhiều lời khen ngợi cho bà Haspel khi đề cử bà làm Giám đốc CIA, song bà có thể sẽ vấp phải sự phản đối từ tất cả thành viên đảng Dân chủ và một số nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện trong quá trình bỏ phiếu thông qua đề cử, theo Reuters.
“Việc tra tấn những người bị bắt giữ tại nhà tù Mỹ trong thập niên vừa qua là một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử Mỹ. Bà Haspel phải đưa ra lời giải thích về bản chất cũng như mức độ liên quan của bà trong chương trình tra tấn của CIA trong quá trình phê chuẩn (đề cử Giám đốc CIA)”, thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn