Khu đền thờ Al-Aqsa (mà Israel gọi là Núi Đền) ở Jerusalem là khu vực vốn gây nhiều tranh cãi và xung đột quyết liệt giữa các nhóm tôn giáo ở Trung Đông, khiến nhiều người thiệt mạng trong nhiều năm qua.
Căng thẳng bùng phát
Sự việc bắt đầu bùng phát vào ngày 14/7 vừa qua khi 3 đối tượng người Arab là công dân Israel gốc Palestine đã nổ súng vào cảnh sát Israel ở gần cổng đền thờ Al-Aqsa sau đó bỏ chạy sang khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa và bị lực lượng an ninh Israel tiêu diệt. Hai cảnh sát đã tử vong tại bệnh viện do bị thương nặng.
Sau vụ tấn công, Israel đã đóng cửa khu thánh địa, đồng thời đặt các chốt kiểm soát và máy dò kim loại tại cổng ra vào đền thờ. Đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua Israel đóng cửa ngôi đền linh thiêng này. Tuy nhiên, hành động này của Israel lại vấp phải phản ứng của các nước Arab và Hồi giáo. Nhiều nhà lãnh đạo Hồi giáo đã kêu gọi các tín đồ tẩy chay khu vực thánh địa Jerusalem.
Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ngày 15/7 đã lên án mạnh mẽ việc Israel đóng cửa đền thờ Hồi giáo al-Aqsa, đồng thời chỉ trích đây là "tộc ác chống người Hồi giáo".
Ngày 17/7, Liên đoàn Arab (AL) cũng đã lên án quyết định của Israel về việc ngăn cản người Palestine vào đền thờ Hồi giáo linh thiêng al-Aqsa ở Đông Jerusalem. Trong một tuyên bố, Hội đồng AL nêu rõ các biện pháp Israel triển khai tại khu vực trên vi phạm các quyền cầu nguyện của người Palestine.
Một cảnh sát Israel bị bắn chết gần cổng đền
Hội đồng này nhấn mạnh các hành động của Israel vi phạm luật pháp quốc tế cũng như các nghị quyết của Liên hợp quốc. AL cũng nhấn mạnh Israel phải chấm dứt những hành động nói trên, đồng thời phản đối Israel thay đổi nguyên trạng tại Đông Jerusalem.
Chính quyền Jordan đã yêu cầu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu "ngay lập tức" mở cửa trở lại khu đền thờ Hồi giáo al-Aqsa và không tiến hành các bước có thể làm thay đổi nguyên trạng. Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích gay gắt hành động của Israel, coi là “tội ác chống lại loài người”. Người phát ngôn chính phủ kiêm Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus nêu rõ “đây thực sự là một quyết định không thể chấp nhận được và gây xúc phạm ở mức độ cao nhất”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Palestine cũng đã lên án việc Israel đóng cửa đền thờ Al-Aqsa đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế cùng các nước Arab và Hồi giáo nhanh chóng đảm nhận trách nhiệm của mình để bảo vệ đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Theo người phát ngôn chính quyền Palestine Yousef Al-Mahmoud, việc đóng cửa đền Al-Aqsa được xem là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với các địa điểm cầu nguyện, và tính trang nghiêm của một trong những khu vực linh thiêng nhất của người Arab và người Hồi giáo.
Trước phản ứng của các quốc gia Arab, ngày 16/7, Israel đã mở cửa lại đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa, tuy nhiên nước này vẫn yêu cầu phải kiểm tra an ninh đối với tất cả các tín đồ đến đây bằng các máy dò kim loại đặt tại 2 cổng. Thủ tướng Israel Netanyahu kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Ông Netanyahu nhấn mạnh nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh tại các khu vực linh thiêng mà không làm thay đổi nguyên trạng.
Thế nhưng, việc cho mở cửa lại đền thờ Al-Aqsa nhưng việc yêu cầu kiểm tra an ninh của Israel vẫn khiến các tín đồ Hồi giáo phản đối. Tối ngày 17/7, cảnh sát Israel cho biết đã có khoảng 200 người Palestine cố chặn một con đường gần đó và ném đá vào cảnh sát đang tìm cách giải tán nhóm người này, khiến 11 người bị thương. Mặc dù tình hình căng thẳng, hàng trăm tín đồ vẫn tìm cách để vào khu vực này cầu nguyện.
Đây được xem là một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra tại Jerusalem trong những năm gần đây và có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa Israel với Palestines.
Các tín đồ Hồi giáo Palestine cầu nguyện tại đền Al-AqsaCác tín đồ Hồi giáo Palestine cầu nguyện tại đền Al-Aqsa
Khu vực gây tranh cãi
Trong lịch sử, Al-Aqsa luôn là địa điểm được người Hồi giáo rất tôn kính, là nơi linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái. Đối với người Hồi giáo, Al-Aqsa là địa điểm linh thiêng thứ ba trên thế giới, sau Mecca và Medina ở Saudi Arabia. Còn đối với người Do Thái, khu đền thờ này cũng được coi là thánh địa và gọi là Núi Đền.
Lật lại lịch sử từ hơn 2.000 năm trước, người Do thái cho rằng, khu vực đền Al-Asqa đã được xây dựng từ thời vua David thời kỳ đầu của Vương quốc Israel. Còn người Hồi giáo lại khẳng định, ngôi đền này đã được xây dựng sớm hơn trước đó, dưới thời các vị vua Hồi giáo.
Khu đền thờ Al-Aqsa nằm ở Đông Jerusalem, vùng đất Israel chiếm từ Jordan và sáp nhập năm 1967. Theo hiệp ước hòa bình Israel-Jordan được ký kết năm 1994, Jordan có quyền quản lý đối với đền thờ Al-Aqsa và các địa điểm Hồi giáo linh thiêng khác ở Đông Jerusalem.
Mặc dù vậy, Al-Aqsa vẫn luôn là khu vực gây tranh cãi quyết liệt giữa các nhóm tôn giáo và là một trong những thánh địa nhạy cảm nhất ở Trung Đông. Tại đây thường xuyên diễn ra những cuộc xung đột giữa người Do Thái và Arab.
Theo quy định lâu nay, người Do thái chỉ được phép đến thăm khu đền này nhưng không được cầu nguyện tại đây. Tuy nhiên, những người Do thái đã không chấp nhận điều này và vì vậy trong thời gian qua đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Israel và người Palestine trên các đường phố ở Đông Jerusalem và các khu vực xung quanh đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa, nhằm phản đối người Do Thái đến thăm khu đền này.
Tháng 11/2014, bạo lực đã bùng phát khi lực lượng an ninh Israel đụng độ với người biểu tình Palestine tại nhiều khu vực lãnh thổ của Palestine bị Israel chiếm đóng sau khi chính quyền Israel ra lệnh đóng cửa ngôi đền cổ linh thiêng Al-Aqsa và ngăn người Palestine vào cầu nguyện.
Đụng độ lên đến đỉnh điểm vào tháng 9/2015 giữa người Palestine và lực lượng an ninh Isarel liên quan đến khu đền này đã dẫn tới làn sóng bạo lực khiến ít nhất 230 người Palestine và 34 người Israel thiệt mạng.
Ngày 16/7, Israel đã mở cửa lại đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa
Gần đây là sự việc các tín đồ Hồi giáo đã bao vây hai tín đồ Do Thái bị đuổi khỏi đền Al-Aqsa, và chửi mắng những người này (vào tháng 8/2016). Cũng trong thời điểm này, ít nhất đã có 18 người Palestine, trong đó có một trẻ vị thành niên bị thương tại khu đền Al-Aqsa do các cuộc đụng độ bùng phát giữa người Palestine và các lực lượng Israel đang hộ tống hàng trăm tín đồ Do Thái dự lễ kỷ niệm ngày lễ ăn chay Tisha B'av.
Trong bối cảnh vẫn còn những tranh cãi liên quan đến khu đền thờ Al-Aqsa, vào tháng 10/2016, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua nghị quyết phủ nhận mối liên hệ lịch sử của Do Thái giáo với các địa điểm linh thiêng ở Jerusalem.
Theo đó, tên chính thức của khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem và Bức tường phía Tây thành cổ Jerusalem sẽ được sử dụng bằng tiếng Arab, còn tên tiếng Do Thái sẽ chỉ được dùng trong ngoặc kép để tham khảo trong các văn kiện của Liên hợp quốc.
Nghị quyết kêu gọi Israel, với tư cách là “quốc gia chiếm đóng”, khôi phục “nguyên trạng lịch sử”. Nghị quyết cũng lên án mạnh mẽ “các hành động leo thang gây hấn cũng như các biện pháp phi pháp của Israel” và những vi phạm của Israel đối với quyền tự do thờ phụng của người Hồi giáo tại ngôi đền trên. Tuy nhiên sau đó phía Israel đã không công nhận nghị quyết trên.
Các nhà phân tích cho rằng, khi mà sự xếp chồng giữa các nền văn hóa khiến cho việc phân định vùng thánh địa ở Jerusalem khó có thể rạch ròi và đã để lại những hậu quả nghiêm trọng thì rất cần tìm ra một giải pháp để hóa giải hận thù và tranh chấp.
Tác giả: Theo T.Quang – T.Đức
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn