Vào ngày 29/7, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói với các nhà báo nước ngoài đi cùng với ông trong chuyến thăm tới công trường xây dựng tại một sân vận động do Trung Quốc tài trợ ở thủ đô Phnom Penh rằng, Campuchia đã chi thêm 40 triệu USD để mua vũ khí từ Trung Quốc, ngoài thỏa thuận quân sự trị giá 290 triệu USD đã kết thúc. Nhà lãnh đạo Campuchia gọi dự án sân vận động trên là món quà từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Lô vũ khí mới đang được chuyển từ Trung Quốc tới. Theo Thủ tướng Hun Sen, hàng chục nghìn vũ khí mua được từ Trung Quốc giúp nâng cấp kho vũ khí của Campuchia.
“Tôi muốn củng cố quân đội”, ông Hun Sen viết trên Facebook.
Thủ tướng Hun Sen không giải thích loại vũ khí nào mua của Trung Quốc. Tuy nhiên, truyền thông nước ngoài lưu ý rằng nhà lãnh đạo Campuchia đã tiết lộ những thông tin cụ thể hiếm hoi về thỏa thuận vũ khí với Trung Quốc. Họ gọi đây là những chi tiết ở mức độ “bất thường”.
Chuyên gia Zhang Jie, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Toàn cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã giải thích lý do khiến phương Tây ngày càng chú ý tới hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Campuchia.
“Quy mô của thỏa thuận (vũ khí) mới giữa Trung Quốc và Campuchia không lớn. Tuy nhiên tôi tin rằng sự chú ý quá mức đối với vấn đề hợp tác và trao đổi quân sự giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trên thực tế, có liên quan chặt chẽ tới cái gọi là “học thuyết về sự bành trướng quân sự của Trung Quốc”. Phương Tây vẫn đang suy đoán về chuyện này, chẳng hạn như khi các tàu chiến Trung Quốc tới thăm cảng Sihanoukville của Campuchia”, chuyên gia Jie nhận định.
Chuyên gia Trung Quốc cũng đưa ra những ví dụ cụ thể về hoạt động quân sự của của phương Tây trong khu vực.
“Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ đang ngày càng mở rộng sang khu vực Đông Nam Á, bao gồm các đồng minh và đối tác của họ. Ngoài ra, Anh và Pháp cũng đưa tàu chiến tới Biển Đông và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Điều đó cho thấy các nước lớn vẫn đang tăng cường chi tiêu quân sự và lợi thế cạnh tranh trên phương diện quân sự trong khu vực”, bà Jie nhận định.
“Trong khi đó, chính sách của Trung Quốc vẫn không thay đổi nhiều trong bối cảnh trên. Ý tưởng chính (của các nước phương Tây) khi chuyển sự chú ý sang Trung Quốc là để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Do vậy, sự tăng cường hợp tác và trao đổi quân sự giữa Trung Quốc với các nước láng giềng chắc chắn thu hút sự chú ý của phương Tây”, chuyên gia Jie cho biết thêm.
Trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây, Thủ tướng Hun Sen một lần nữa nhắc lại tuyên bố bác bỏ của ông trước đó. Ông chỉ trích thông tin nói rằng Campuchia và Trung Quốc đã ký thỏa thuận bí mật, cho phép các tàu chiến Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream tại vịnh Thái Lan. Thủ tướng Hun Sen gọi thông tin này là “vu khống”.
Liên quan tới tin đồn về thỏa thuận bí mật giữa Trung Quốc và Campuchia, các nhà báo nước ngoài tuần trước đã được mời tới thăm căn cứ quân sự Ream. Chính các vị khách cũng gọi đây là chuyến đi “chưa từng có tiền lệ”.
6 tàu tuần tra của Hải quân Hoàng gia Campuchia được nhìn thấy neo đậu tại căn cứ Ream. Tại một trong số các cơ sở ở căn cứ quân sự nơi các nhà báo tới thăm quan, họ có thể thấy các tàu quân sự vũ trang do Mỹ tài trợ. Các quan chức quân sự giải thích rằng số tàu này sẽ được sửa chữa và bàn giao cho Hải quân Campuchia, chứ không phải cho người Trung Quốc.
Chính quyền Campuchia hồi tháng 6 từng khước từ đề nghị của Mỹ về việc giúp cải tạo căn cứ hải quân Ream. Thay vào đó, Campuchia quyết định tự thực hiện công việc này. Tuy nhiên, Mỹ sau đó đã bày tỏ quan ngại rằng căn cứ Ream có thể được Trung Quốc sử dụng để tăng cường năng lực quân sự nhằm bảo vệ yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông. Washington coi đây là thách thức với các đồng minh trong khu vực.
Campuchia đã bác bỏ thông tin về khả năng cho phép triển khai lực lượng quân sự nước ngoài trên lãnh thổ, vì điều này đi ngược lại với hiến pháp của Campuchia.
Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia gần đây nói rằng họ đang theo dõi thông tin Trung Quốc có thể sử dụng khu nghỉ dưỡng Sihanoukville, nơi cách căn cứ hải quân Ream khoảng 10 km. Cơ sở hạ tầng tại thành phố Sihanoukville đã được thay đổi và hiện đại hóa nhờ sự đầu tư của Trung Quốc.
Cách căn cứ Ream khoảng 70 km về phía tây bắc là khu nghỉ dưỡng Dara Sakor. Tại đây, một công ty tư nhân của Trung Quốc đang xây dựng đường băng dài hơn 3 km. Đại sứ quán Mỹ lo ngại rằng về mặt kỹ thuật, đường băng này có thể tiếp nhận các máy bay hạng nặng, cũng như thiết bị quân sự của Trung Quốc.
Thành Đạt
Theo Sputnik
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn