Bắc Kinh ngày 2/8 đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Donald Trump khi áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc gần như toàn bộ hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đều bị đánh thuế. Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng “chiến đấu” với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo CNN, Trung Quốc vẫn đủ sức đương đầu với những hệ quả từ cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang với Mỹ. Tuy nhiên, so với Washington, Bắc Kinh phải đối mặt với nhiều sức ép hơn và cũng phải tính toán các biện pháp đáp trả một cách cẩn trọng.
Theo Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế học cấp cao tại hãng nghiên cứu kinh tế Capital Economics, Trung Quốc “về cơ bản có rất ít phương án đáp trả ổn thỏa”.
“Xét đến việc tấn công Mỹ trực diện, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc đáp trả mà không gây thiệt hại cho chính họ”, Evans-Pritchard nhận định.
Những cách thức Trung Quốc có thể sử dụng để đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại
Áp thuế hàng Mỹ
Trung Quốc trước đây từng đáp trả đòn thuế quan của Mỹ bằng việc áp thuế với chính hàng hóa Mỹ. Hồi tháng 5, Bắc Kinh trả đũa động thái leo thang căng thẳng của Tổng thống Trump bằng việc tăng thuế từ 10% - 25% đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc mua nhiều hàng hóa từ Mỹ hơn là bán hàng hóa sang thị trường Mỹ, đồng nghĩa với việc Bắc Kinh chỉ có 120 tỷ USD hàng hóa Mỹ để nhắm mục tiêu áp thuế. Trong khi đó, Washington có thể áp thuế với khoảng 540 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Trung Quốc có thể đáp trả bằng việc kết hợp cả biện pháp thuế quan và phi thuế quan, vì đây là con đường ngắn hơn nhiều so với việc chỉ dùng thuế quan”, Darren Tay, nhà phân tích rủi ro châu Á tại hãng nghiên cứu Fitch Solutions, nhận định.
Theo nhà kinh tế Evans-Pritchard, hầu hết những mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ mà chưa bị Trung Quốc đánh thuế đều là các sản phẩm công nghệ cao và không dễ thay thế.
“Chính Trung Quốc cũng phải chịu một phần thiệt hại khi áp thuế lên nhiều sản phẩm (từ Mỹ)”, Evans-Pritchard cho biết.
Hạn chế nguồn cung đất hiếm
Một trong những lợi thế của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ là vị thế gần như độc quyền của Bắc Kinh trong việc cung cấp đất hiếm, nhóm chất hóa học đóng vai trò sống còn đối với ngành công nghệ toàn cầu.
Trung Quốc kiểm soát hơn 90% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Từ năm 2014-2017, Trung Quốc chiếm 80% trong lượng đất hiếm xuất khẩu vào Mỹ.
Trung Quốc từng cảnh báo sẽ kiểm soát lượng đất hiếm xuất khẩu. Hai tháng trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng một bài bình luận với nội dung: “Đừng nói là chúng tôi không cảnh báo trước”.
“Biện pháp này có thể sẽ có tác động lớn hơn trong ngắn hạn, nhưng nó cũng có thể dẫn đến nhiều thiệt hại cho các đối tác thương mại khác của Trung Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, nước nhập khẩu đất hiếm chính của Trung Quốc”, Evans-Pritchard cho biết thêm.
Cổ phiếu đất hiếm tăng vọt hôm 2/8, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump thông báo lệnh áp thuế mới, do các nhà đầu tư lo ngại rằng giá đất hiếm có thể tăng lên nếu Trung Quốc hạn chế nguồn cung.
Hạ giá đồng Nhân dân tệ
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ông Trump từng cáo buộc Trung Quốc hạ giá đồng tiền của nước này để hỗ trợ xuất khẩu.
Đồng Nhân dân tệ yếu hơn sẽ giúp hàng xuất khẩu Trung Quốc rẻ hơn, từ đó tránh được tác động từ thuế quan của Mỹ.
“Tôi nghĩ công cụ tốt nhất và mạnh nhất mà họ có được là tỷ giá hối đoái. Đây thực sự là công cụ cho phép họ bù đắp thiệt hại do tác động từ thuế quan (của Mỹ)”, chuyên gia Evans-Pritchard nói.
Tuy nhiên Trung Quốc có lý do để không hạ giá đồng Nhân dân tệ, vì điều này có thể dẫn tới việc một lượng tiền lớn “chảy” ra khỏi Trung Quốc và gây tổn hại cho sự ổn định của nền kinh tế. Khi đồng Nhân dân tệ yếu đi, các nhà đầu tư nước ngoài, những người gửi tiền hay các công ty lo sợ rằng tài sản của họ sẽ an toàn hơn nếu gửi ở nước ngoài bằng đồng tiền mạnh hơn.
“Bắc Kinh muốn tránh lặp lại thời điểm năm 2015 khi việc hạ giá dẫn tới cuộc khủng hoảng lòng tin vào đồng Nhân dân tệ”, nhà phân tích Darren Tay cho biết, đề cập tới việc Trung Quốc từng bị cáo buộc phát động “chiến tranh tiền tệ” khi hạ giá đồng Nhân dân tệ.
Làm khó các công ty Mỹ
Một số công ty lớn nhất của Mỹ, gồm Apple, Tesla, Ford và Starbucks, đều phụ thuộc vào thị trường khổng lồ tại Trung Quốc để thu về hàng tỷ USD doanh thu. Nhiều công ty đã bị ảnh hưởng bởi đòn áp thuế và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp tại Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc có thể gây khó khăn cho các công ty Mỹ bằng cách siết chặt các quy định đối với hoạt động kinh doanh của họ và thiết lập thêm các rào cản về pháp lý. Tuy vậy, kế hoạch này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế vốn đang trì trệ của Trung Quốc, nếu các công ty này quyết định chuyển dây chuyền sản xuất sang nước khác. Thực tế, một số công ty đã làm như vậy.
“Trung Quốc hiện đã giảm bớt sự phụ thuộc vào các hoạt động đầu tư nước ngoài hơn so với trước đây, tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không muốn chứng kiến các công ty đa quốc gia ồ ạt rời khỏi nước này. Nếu các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc bị gây khó dễ, thì chính Trung Quốc đang tự bắn vào chân mình”, chuyên gia Evans-Pritchard cảnh báo.
Thành Đạt
Tổng hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn