Cuối tháng 5/2019, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Na Uy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ các Tổng giám đốc Điều hành của một số tập đoàn lớn tại Na Uy hiện đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có Scatec Solar, tập đoàn năng lượng hàng đầu Na Uy.
Tổng Giám đốc Điều hành của Scatec Solar, ông Raymond Carlsen, đã trình bày với Thủ tướng về kế hoạch đầu tư gần 500 triệu USD của Scatec vào các dự án điện mặt trời ở 3 tỉnh miền trung Việt Nam là Bình Phước, Quảng Trị và Nghệ An với tổng công suất là 485MW. Biên bản ghi nhớ của Dự án này đã được ký kết trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Na Uy.
Trao đổi với phóng viên nhân chuyến công tác tới Hà Nội trong hai ngày 3-4/7, ông Raymond Carlsen nhận định Việt Nam là quốc gia đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Với đà tăng trưởng đó, trong vòng 10 năm tới, Việt Nam được dự đoán là sẽ phải tăng công suất lắp đặt điện lên tới 50%. Cùng với mục tiêu cắt giảm phát thải khí C02 để bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo sẽ là xu thế tất yếu.
“Chúng tôi nhận thấy triển vọng to lớn của ngành điện mặt trời ở Việt Nam. Điện mặt trời là giải pháp nhanh nhất để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam với mức giá chi trả được. Qua hai năm qua thực hiện biểu giá bán điện năng (FIT), có thể thấy tiềm năng xây dựng điện mặt trời nhanh chóng với công suất hàng ngàn MW ở Việt Nam là rất lớn. Chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ được tiếp tục trong tương lai”, ông Carlsen nói.
Nói về lý do Scatec Solar chọn Việt Nam để hợp tác trong lĩnh vực này, ông Carlsen cho biết Na Uy tin tưởng vào tiềm năng xây dựng các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ để hỗ trợ sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, nhiều công ty năng lượng trong nước cũng rất mạnh, Scatec có thể hợp tác với họ.
Bên cạnh Dự án điện mặt trời 485MW ở ba tỉnh miền trung nói trên, ông Carlsen cũng chia sẻ thêm một tin vui là Scatec Solar vừa ký kết một thỏa thuận hợp tác với một đối khác của Việt Nam để thực hiện một dự án điện mặt trời nổi có công suất 1000 MW tại tỉnh Đồng Nai. Khoản đầu tư cho dự án này là 1 tỷ USD bao gồm cả đầu tư lưới điện. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là dự án điện mặt trời nổi có công suất lớn nhất thế giới.
Khi thực hiện Dự án điện mặt trời nổi này, Scatec Solar sẽ cùng với đối tác xây dựng một dây chuyền sản xuất thiết bị chuyên dụng để cố định các panel mặt trời trên mặt nước (Pontoon). Với kế hoạch này, Scatec Solar hy vọng sẽ tạo thêm việc làm cho người lao động và giúp Việt Nam phát triển công nghệ. Tập đoàn cũng hy vọng sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam thông qua kế hoạch hợp tác với một số trường đại học trong nước, biến chính các cơ sở của công ty làm nơi thực tập và nghiên cứu cho các sinh viên.
“Scatec Solar cam kết sẽ trở thành một tập đoàn tiên phong trên thị trường năng lượng mặt trời của Việt Nam trong những năm tới. Chúng tôi tin tưởng mình có thể trở thành đối tác đáng tin cậy của Việt Nam không chỉ trong việc hiện thức hóa các kế hoạch sản xuất điện mặt trời nhanh chóng, với công suất lớn và mức giá phù hợp, mà còn tạo thêm việc làm, xây dựng năng lực chuyên môn cho các đối tác trong nước và hơn thế nữa. Chúng tôi đến Việt Nam là để ở lại”, Tổng Giám đốc của Scatec Solar nhấn mạnh.
Nói về ngành năng lượng tái tạo của Na Uy, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Løchen, cho biết lịch sử phát triển của ngành này ở Na Uy rất lâu đời. Được thiên nhiên ưu ái, Na Uy có những điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi để phát triển thủy điện, song Na Uy vẫn chú trọng tới các nguồn năng lượng tái tạo khác. Từ đầu những năm 90, Na Uy đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu về công nghệ năng lượng mặt trời PV (photovoltaic).
Na Uy có những giải pháp kỹ thuật vô cùng ưu việt giúp các các công ty Na Uy thành công với các dự án của mình ở nhiều nước trên thế giới. Yếu tố quan trọng khiến một quốc gia nhỏ bé như Na Uy có thể phát triển thành công ngành công nghiệp mặt trời PV mạnh mẽ như vậy, không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới, đó là sự hợp tác hiệu quả và tích cực giữa Chính phủ, ngành công nghiệp và các viện nghiên cứu trong quá trình đổi mới.
An Bình
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn