Angola cần nâng cấp các cảng biển để phục vụ hoạt động xuất khẩu dầu. (Ảnh: Getty)
Công ty thương mại Toyota Tsusho và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đang hợp tác với nhau trong kế hoạch phát triển một dự án cảng tại Angola. Đây cũng là dự án lớn nhất theo mô hình này của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Kế hoạch trên nhằm huy động 70 tỷ yen (khoảng 643 triệu USD) từ cả nguồn vay công và tư nhân tại Nhật Bản nhằm giúp Angola có kinh phí thực hiện dự án cảng. Động thái này của Tokyo diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Phi. Tuy nhiên, các khoản vay của Bắc Kinh đã đẩy nhiều quốc gia đang phát triển tại khu vực này vào cảnh nợ nần.
Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết họ ưu tiên tập trung vào khả năng sinh lời của các dự án và đảm bảo rằng những quốc gia được Tokyo hỗ trợ vẫn đủ khả năng trả nợ. Mục đích của việc làm này là nhằm thiết lập một mô hình "xuất khẩu" cơ sở hạ tầng tới những nền kinh tế đang phát triển.
Tại Angola, công ty Toyota Tsusho muốn tiếp nhận dự án cảng ở phía nam nước này, nơi tốc độ phát triển vẫn đang bị thụt lùi. Kế hoạch của Toyota Tsusho là sử dụng các trang thiết bị và nguyên vật liệu của Nhật Bản để xây dựng cảng trong khuôn khổ hợp đồng với chính phủ Angola thông qua việc tiếp nhận các khoản vay từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và các đơn vị khác.
Là quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu dầu, Angola cần nâng cấp các cảng biển của nước này. Angola dự kiến sẽ vận chuyển quặng sắt từ cảng do Nhật Bản hỗ trợ phát triển. Một thỏa thuận giữa hai nước sẽ được ký trước ngày 11/1.
Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản dự kiến thiết lập một gói tín dụng trị giá khoảng 70 tỷ yen cho chính phủ Angola, trong đó ngân hàng này sẽ rót một nửa số tiền và huy động phần còn lại từ các ngân hàng tư nhân.
Bằng việc tiếp tục thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường thông qua phát triển cơ sở hạ tầng, Trung Quốc là nước đứng sau rất nhiều dự án ở châu Phi. Trung Quốc tới Angola vào khoảng năm 2002 khi cuộc nội chiến đã kết thúc với mong muốn hỗ trợ tái thiết nền kinh tế của quốc gia châu Phi này. Trung Quốc được cho là đang nắm giữ một nửa số nợ nước ngoài của Angola.
Trong một số trường hợp, các nước đang phát triển gặp khó khăn trong việc hoàn thành các nghĩa vụ nặng nề đối với Trung Quốc. Do lo ngại đồng tiền bị sụt giá của các thị trường mới nổi có thể gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu, chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch đưa vấn đề nợ ra bàn thảo khi nước này đăng cai hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka vào tháng 6 tới.
Kể từ năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường để xây dựng các liên kết về kinh tế, chính trị và văn hóa dọc khu vực châu Á, đồng thời kết nối châu Á với châu Âu và châu Phi thông qua các dự án cơ sở hạ tầng như cảng biển, đường bộ, đường sắt và đường ống dẫn dầu.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn