Trung Quốc ngang nhiên triển khai các khí tài quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. (Ảnh minh họa: Reuters)
Quân sự hóa Biển Đông
Đầu tháng này, CNBC của Mỹ dẫn nguồn tin tình báo cho biết, Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai các tên lửa hành trình YJ-12B và tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Không lâu sau, hôm 18/5, lần đầu tiên các máy bay ném bom của Trung Quốc ngang nhiên diễn tập trên một hòn đảo được cho là đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hãng tin Fox News hôm qua dẫn ảnh chụp ngày 20/5 của ImageSat International cho thấy Trung Quốc đã triển khai thêm một hệ thống tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm. Đây có thể là một hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 có tầm bắn hơn 200km và có thể tạo ra mối đe dọa với bất cứ máy bay quân sự hay dân sự nào khi tiếp cận khu vực này.
Lầu Năm Góc coi đây là những hành động “quân sự hóa” Biển Đông đi ngược lại với cam kết trước đó của Bắc Kinh. "Việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông chỉ làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn khu vực”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Chris Logan và cho biết thêm Mỹ đã quyết định hủy lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2018.
Trong khi đó, Philippines cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về những diễn biến này trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đang tiếp tục theo dõi các diễn biến trên Biển Đông có thể tác động đến hòa bình và ổn định ở khu vực. “Chúng tôi sẽ triển khai biện pháp ngoại giao phù hợp cần thiết để bảo vệ lập trường của chúng tôi và sẽ tiếp tục làm điều này trong tương lai”, thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết.
Bước đi nguy hiểm
Một máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Giới chuyên gia nhận định, cùng với triển khai các hệ thống tên lửa và radar, việc đưa máy bay ném bom diễn tập ở Hoàng Sa là động thái nguy hiểm của Trung Quốc. Các chuyên gia của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) nhận định, từ đảo này, các máy bay chiến đấu H-6K của Trung Quốc có thể tiếp cận tất cả các nước Đông Nam Á.
Cũng theo chuyên gia của AMTI, Trung Quốc có thể sẽ sớm hạ cánh các máy bay này trên quần đảo Trường Sa và vươn tới phía bắc Australia hoặc các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam.
Trung Quốc được cho là đã nâng cấp các đường băng trên 3 thực thể gồm Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Xubi. Gần đây, các máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc đã hạ cánh phi pháp ở cả 3 đảo đá này.
Liên quan đến cuộc diễn tập của H-6K Trung Quốc, Derek Grossman, một chuyên gia quốc phòng thuộc tổ chức nghiên cứu Rand Corp, nhận định: “H-6K đáng lưu ý bởi nó có thể giúp Trung Quốc củng cố năng lực ném bom tầm xa nhằm vào các mục tiêu cả trên đất liền và trên biển. Hơn nữa, việc diễn tập hạ cánh xuống đảo Phú Lâm là cách để Trung Quốc đào tạo phi công trong điều kiện thực chiến”.
Giới chuyên gia cảnh báo, với những động thái tăng cường quân sự hóa trái phép Biển Đông gần đây, Trung Quốc có thể đang tiến gần tới thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới này.
William Choong, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) ở Singapore, nhận định Trung Quốc có thể lập ADIZ như từng làm ở biển Hoa Đông năm 2013. Chuyên gia này cũng cho rằng, Bắc Kinh có thể sẽ lập một căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở đây.
Ông Richard Heydarian, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, cũng nhận định: "Trung Quốc đang hình thành khung cho một Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông để tiến tới lập vùng đặc quyền lâu dài ở đây”.
Giám đốc AMTI Greg Poling cảnh báo: “Hiện nay, Trung Quốc có tất cả cơ sở hạ tầng để kết hợp phòng thủ và triển khai quân sự tại Hoàng Sa và Trường Sa”.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn