Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Oman Ali Masoud Al Sunaidy trả lời phỏng vấn báo chí bên lề tọa đàm
“Hiện Việt Nam và Oman chưa có đường biển nối trực tiếp, nếu mở ra được các tuyến đường biển trực tiếp này thì việc xuất khẩu hàng hóa từ Oman sang các nước khu vực châu Á và từ Việt Nam sang châu Phi, Trung Đông rất thuận lợi”, Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Oman Ali Masoud Al Sunaidy phát biểu tại tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Oman diễn ra sáng ngày 22/3 tại Hà Nội.
Ông Al Sunaidy nhấn mạnh, Oman có thể là cầu nối giữa Việt Nam với châu Phi và khu vực Trung Đông, bởi Oman có nhiều cảng biển và kho bãi lớn để vận chuyển và lưu trữ hàng hóa.
Ngoài ra, đường bay từ Oman sang Việt Nam hiện phải quá cảnh ở Bangkok. Bộ trường Al Sunaidy tin rằng nếu nhu cầu giữa hai bên tăng lên thì việc mở đường bay thẳng sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho cả hai bên.
Cuộc tọa đàm hôm nay là một trong những hoạt động của Việt Nam và Oman nhằm tạo bước đột phá cho quan hệ song phương. Đây là cuộc gặp quy mô lớn nhất của doanh nhân hai nước trong 26 năm qua. Đại diện của 70 doanh nghiệp, bao gồm 60 doanh nghiệp Việt Nam và 10 doanh nghiệp Oman, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, đã tham gia tọa đàm nhằm kiếm các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới.
Tham dự tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Cao Quốc Hưng đã kêu gọi doanh nghiệp hai bên tìm cách hợp tác, thúc đẩy quan hệ thương mại, công nghiệp. Bộ trưởng cho rằng có nhiều không gian để hai bên bắt tay nhau. Nhấn mạnh rằng Việt Nam coi Oman là đối tác quan trọng ở Trung Đông, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng hy vọng các doanh nghiệp hai bên sớm tìm ra các lĩnh vực hợp tác cụ thể và duy trì trao đổi thường xuyên hơn.
“Nhiều người Oman chưa biết đến Việt Nam”
Đông đảo doanh nghiệp hai nước tham gia buổi tọa đàm
Chia sẻ thẳng thắn tại tọa đàm, Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Al Sunaidy nói rằng nhiều người Oman vẫn chưa biết tới Việt Nam. “Thật buồn khi phải chia sẻ như vậy, nhưng đó là sự thật”, ông nói. Bộ trưởng Al Sunaidy cho rằng hai nước cần đẩy mạnh các hoạt động trao đổi để người dân hai nước hiểu biết về nhau, xích lại gần nhau hơn.
Đại diện hai nước cũng nhấn mạnh tại sự kiện rằng tiềm năng hợp tác rất lớn, nhưng kết quả hiện thời rất khiêm tốn. Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 116,7 triệu USD. Dù con số này tăng 22% so với năm 2016 nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Đầu tư của Oman vào Việt Nam còn thấp. Đến hết năm 2017, Oman chỉ có 2 doanh nghiệp với 5 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 337 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam chưa có dự án đầu tư nào tại Oman.
Ông Abdullah Al Harthy, Chủ tịch hội đồng quản trị Liên doanh Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI), cho hay: "Chúng tôi mong muốn ưu tiên đầu tư dài hạn vào các lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam như hạ tầng, hậu cần, giáo dục y tế, năng lượng tái tạo… Chúng tôi rất lạc quan với tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam và tự tin sẽ gia tăng đầu tư ở đây".
Nhận định rằng môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện rất nhiều 2 năm qua, song ông Al Harthy cũng lưu ý rằng, nhà đầu tư rất quan tâm đến vấn đề pháp lý: Việt Nam nên có thêm nhiều chính sách mời gọi các nhà đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam và Oman thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Không chỉ thúc đẩy hợp tác song phương, Việt Nam mong muốn Oman là cánh cửa để thâm nhập thị trường Trung Đông - châu Phi, còn Oman mong muốn Việt Nam là cánh cửa để tiến vào thị trường ASEAN hàng trăm triệu dân.
Tác giả: An Bình
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn