Chương trình bí mật
“Những vòng tròn xuất hiện trước mắt tôi với hai màu đỏ và vàng cam. Có tiếng động trong tai của tôi, tôi nghe thấy tiếng thở của mình. Và một cảm giác sợ hãi: giống như có điều gì đó sắp xảy ra. Tôi ngồi xuống ghế và nói với các đồng nghiệp rằng: “Nó bắt đầu ngấm vào tôi rồi””, nhà khoa học Andrei Zheleznyakov kể lại với tờ Novoye Vremya, mô tả lại vụ việc xảy ra tại phòng thí nghiệm vũ khí vào năm 1987 khi ông tiếp xúc với một loại chất độc thần kinh.
Tới năm 1992 khi cuộc phỏng vấn với Novoye Vremya được công bố, chất độc thần kinh mà Zheleznyakov tiếp xúc đã phá hủy hệ thần kinh trung ương của nhà khoa học này. Chưa đầy một năm sau đó, Zheleznyakov đã qua đời sau khi chiến đấu với một loạt căn bệnh từ xơ gan, viêm gan nhiễm độc cho tới động kinh.
Bằng cách công khai những thông tin mật về chất độc hóa học, Zheleznyakov là một trong số những người lên tiếng về chương trình phát triển vũ khí hóa học gây tranh cãi trong nhiều năm sau đó, ngay cả sau khi cựu Tổng thống Mỹ George Bush và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký Thỏa thuận Vũ khí Hóa học Mỹ - Liên Xô năm 1990, trong đó cả hai bên cam kết dừng phát triển vũ khí hóa học.
Mặc dù Zheleznyakov được cho là đã góp sức vào việc tạo ra Novichok - chất độc “nhị phân” kết hợp từ hai thành phần vô hại nhưng trở thành vũ khí giết người khi trộn lẫn vào nhau, nhà khoa học này vẫn là "người hùng" trong mắt một số người.
“Ông ấy (Andrei Zheleznyakov) đã tiết lộ tất cả các thông tin - điều mà tôi không thể làm được vào thời điểm đó. Ông ấy không sợ vì biết rằng quãng đời còn lại của ông ấy chỉ còn đếm từng ngày”, Vil Mirzayanov, nhà khoa học về vũ khí hóa học từng bị xét xử ở Nga vì tiết lộ sự tồn tại của chương trình chế tạo Novichok, nói với Guardian tại căn nhà của ông ở Princeton, New Jersey, Mỹ.
Zheleznyakov chưa bao giờ bị khởi tố, nhưng bản thân ông cũng không thể chống cự được với loại chất độc mà ông từng tiếp xúc. Mirzayanov cho biết Zheleznyakov bị mất khả năng tập trung và cuối cùng tự cô lập chính mình. Sống trong cảnh ly hôn và không có con, Zheleznyakov qua đời vào năm 1993 vì bị tai biến khi đang ăn tối.
Nạn nhân duy nhất?
Các quan chức Nga phủ nhận việc nước này từng theo đuổi chương trình phát triển chất độc Novichok. Chính quyền Nga cũng khẳng định không liên quan tới vụ nghi đầu độc cựu điệp viên Skripal và con gái tại thành phố Salisbury ở Anh hôm 4/3.
“Tôi muốn khẳng định chắc chắn rằng Liên Xô hay Nga chưa bao giờ có chương trình phát triển một loại chất độc tên là Novichok”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói hồi tuần trước.
Ngày 20/3, hãng thông tấn RIA Novosti đăng tải bài phỏng vấn với lãnh đạo phòng thí nghiệm Moscow thuộc Viện nghiên cứu Hóa chất và Công nghệ hữu cơ Nga và xác nhận rằng Liên Xô từng phát triển chất độc Novichok, song chương trình này có một tên gọi khác là “Foliant”.
Theo Guardian, Andrei Zheleznyakov có thể không phải là người duy nhất chết vì chất độc Novichok. Lev Fedorov, nhà hoạt động dân sự từng ghi chép về chương trình vũ khí hóa học của Liên Xô và các nạn nhân của chương trình này, cho biết LA Lipasov từng chết do “có liên quan tới việc phát triển các loại vũ khí hóa học hiện đại”.
Do Lev Fedorov đã qua đời năm 2017 nên Guardian không thể xác minh lý lịch của Lipasov cũng như các nạn nhân khác từng làm việc tại Viện nghiên cứu Hóa chất và Công nghệ hữu cơ - nơi được cho là đã chế tạo Novichok trong chương trình mang mật danh “Foliant”. Khi được hỏi về quá trình phát triển chương trình “Foliant” cũng như các nạn nhân của chương trình này, viện nghiên cứu trên từ chối trả lời.
Guardian liệt kê tên của một số nạn nhân được cho là có liên quan tới chất độc thần kinh Novichok như trùm ngân hàng Nga Ivan Kivelidi, người thiệt mạng cùng với thư ký trong vụ đầu độc bí ẩn vào năm 1995, và một sĩ quan Liên Xô tên Vladimir Petrenko, người được cho là bị đầu độc vào năm 1982 sau khi tình nguyện thử nghiệm một trang phục bảo hộ mới. Tuy nhiên, chưa có ai ngoài nhà khoa học Zheleznyakov xác nhận từng tiếp xúc với chất độc này.
Sự nghiệp nghiên cứu
Sự ra đi của Zheleznyakov đã kết thúc sự nghiệp nghiên cứu của hai thế hệ trong một gia đình về chương trình vũ khí hóa học của Liên Xô, bắt đầu từ những năm 1920. Cha của Zheleznyakov, ông Nikolai, từng là phó lãnh đạo ngành hóa học của Liên Xô khi Moscow bước vào Thế chiến 2.
Sau khi được đào tạo tại viện hóa chất quốc phòng Voroshilov, Zheleznyakov đã được thăng tiến lên hàng ngũ tinh hoa của Liên Xô. Ông được cấp một căn hộ tại tòa nhà chính phủ ở Moscow - nơi chủ yếu dành cho các quan chức lãnh đạo của đất nước.
Andrei Zheleznyakov gia nhập quân đội Liên Xô vào thập niên 1960 và nhanh chóng được đưa vào Viện nghiên cứu Hóa chất và Công nghệ hữu cơ ở Moscow. Zheleznyakov đã tiết lộ với tờ Novoye Vremya rằng ông từng dành nhiều năm để nghiên cứu các chất độc thần kinh như soman hay VX trước khi thử nghiệm chúng trên các loài động vật như chuột, chó hay khỉ. Viện nghiên cứu đã trả cho ông mức lương hậu hĩnh và có thể tiếp cận những sản phẩm khan hiếm trong thời kỳ cuối của nhà nước Liên Xô.
Vào thập niên 1980, Zheleznyakov bắt đầu chế tạo biến thể “nhị phân” Novichok với tên gọi A-232. Đây là chất độc được cho là do Liên Xô phát triển để đuổi kịp các nước phương Tây. Một điểm mạnh của chất độc “nhị phân” là có thời hạn lưu trữ kéo dài và điểm mạnh thứ hai là khó lọt vào tầm ngắm của các thanh tra viên do bản chất của chất độc này gồm các thành phần vô hại.
Quyết định lên tiếng
Vào một buổi sáng tháng 5, trục trặc về thiết bị đã xảy ra khi Zheleznyakov đang nghiên cứu về loại chất độc nhị phân khiến một lượng nhỏ Novichok-5 bị rò rỉ ra ngoài không khí. Một cấp trên của Zheleznyakov đã nhắc ông uống một chút trà nhưng Zheleznyakov nôn ra ngay sau đó. Sau khi uống thuốc giải độc, Zheleznyakov cảm thấy đỡ hơn và được cho về nhà. Tuy nhiên khi đi ngang đường, Zheleznyakov đã đổ quỵ và được đưa tới bệnh viện.
Tại bệnh viện, các bác sĩ rốt cuộc cũng đoán ra được nguồn gốc loại chất độc khiến Zheleznyakov gặp vấn đề về sức khỏe. Các mũi tiêm đã cứu mạng Zheleznyakov nhưng bản thân ông không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Ông mất hàng tuần hôn mê, hàng tháng không thể đi lại và hàng năm sống trong tình trạng sức khỏe yếu. Tuy vậy, nhà khoa học này vẫn giữ im lặng về chương trình “Foliant”.
Theo Guardian, chỉ khi nhà khoa học Mirzayanov bị bắt và một quan chức công khai nói rằng không có vũ khí “nhị phân” nào được chế tạo tại phòng thí nghiệm ở Moscow, Zheleznyakov mới quyết định lên tiếng.
“Tôi biết đó là lời nói dối”, Zheleznyakov nói với tờ Novoye Vremya vào năm 1992. 7 tháng sau đó, ông trút hơi thở cuối cùng.
“Đó là một thảm kịch khi ông ấy mất mạng chính vì loại vũ khí do ông ấy chế tạo và công bố với toàn thế giới”, Mirzayanov cho biết.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn